Một hình thức trải nghiệm mang tính giáo dục cao
Lượt xem: 453
Năm 2018, là năm đầu tiên Bảo tàng tỉnh tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm, với chủ đề “Sắc màu văn hóa Thái” gồm các trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái như: Múa sạp, thêu khăn Piêu, làm quả Còn, trò chơi Tó mák lẹ, tung còn, tô tranh, tô tượng, đồ xôi ngũ sắc... mang đến cho du khách và học sinh một chương trình ý nghĩa, bổ ích, đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu, vui chơi giải trí; góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa dân tộc Thái đến với công chúng, đặc biệt là học sinh trong tỉnh.

http://www.baosonla.org.vn/Uploads/Images2017/kfc1lhjv.jpg 

Học sinh nghe giới thiệu về ý nghĩa của chiếc khăn piêu tại hoạt động trải nghiệm “Sắc màu văn hóa Thái”.

Nhận thức rõ hoạt động trải nghiệm sáng tạo không chỉ giúp học sinh có hứng thú hơn trong học tập, mà còn là cơ hội để các em rèn luyện, tích lũy thêm kỹ năng sống, có điều kiện phát triển đầy đủ cả đức - trí - thể - mỹ, Trường Tiểu học Tô Hiệu (Thành phố) đã tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm “Sắc màu văn hóa Thái”. Cô giáo Nguyễn Thu Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A2, Trường Tiểu học Tô Hiệu nói: Giáo viên và học sinh rất háo hức được tham gia hoạt động trải nghiệm “Sắc màu văn hóa Thái”, tham gia các hoạt động diễn ra trong ngày trải nghiệm, học sinh được nghe hướng dẫn viên của Bảo tàng tỉnh giới thiệu về trang phục nam, nữ của dân tộc Thái, ý nghĩa chiếc khăn Piêu... Vui nhất là phần hội, các em được vẽ tranh, tô tượng, hướng dẫn múa xòe, nhảy sạp. Có nhiều em rất nhút nhát, sau khi được động viên, khích lệ đã hăng hái tham gia... những hoạt động đó đã tạo không khí vui tươi, học sinh được giao lưu, học tập nâng cao kiến thức, trau dồi các kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, tạo cơ hội để các em thể hiện khả năng, trình độ của mình... Đồng thời, có không gian vui chơi, giải trí cho học sinh sau thời gian học tập căng thẳng. Thông qua hoạt động trải nghiệm, còn giúp cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn “xích” lại gần nhau hơn, thắt chặt tình đoàn kết giữa các đơn vị, cùng trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.

Đồng chí Lưu Thị Hải Anh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hoạt động trải nghiệm “Sắc màu văn hóa Thái” do Bảo tàng tỉnh tổ chức nhằm giáo dục ý thức trách nhiệm bảo tồn văn hóa, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Thái, góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết cho học sinh trong các nhà trường. Đồng thời, quảng bá những nét đẹp, hình ảnh của dân tộc Thái đến với đông đảo du khách thập phương đến thăm quan Bảo tàng.

Đặc biệt, tham gia hoạt động trải nghiệm “Sắc màu văn hóa Thái”, còn có các “nghệ nhân” trực tiếp biểu diễn múa sạp, thêu khăn piêu. Cô Quàng Thị Phượng, là phụ nữ dân tộc Thái đang sinh sống ở bản Hẹo, phường Tô Hiệu (Thành phố), khoe: Tôi đã đem đến trưng bày tại ngày trải nghiệm những chiếc khăn piêu do chính tôi thêu. Bởi chiếc khăn piêu không chỉ là vật đội đầu mà còn là biểu tượng tín ngưỡng của người Thái. Chiếc khăn là sản phẩm thể hiện sự khéo léo, trình độ thẩm mỹ, khả năng thêu thùa của con gái Thái.

Tham gia hoạt động trải nghiệm, ngoài thầy cô giáo, du khách và học sinh, còn có rất nhiều các bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Thúy Vân, tổ 8, phường Tô Hiệu (Thành phố) đưa con gái học lớp 5 đến với hoạt động trải nghiệm, cho biết: Ý tưởng cho các con được tham gia hoạt động trải nghiệm là một điểm cộng cho Trường Tiểu học Tô Hiệu đối với tôi. Tôi nghĩ, dù các con có nghe thầy, cô giáo giảng dạy về dân tộc Thái qua sách vở hay đến mấy cũng không bằng việc chính các con được nhìn thấy những vật dụng của người Thái, cảm nhận về không gian văn hóa Thái.

Từ những kết quả đạt được của hoạt động trải nghiệm, thiết nghĩ, rất cần nhân rộng hoạt động trải nghiệm “Sắc màu văn hóa” ra các dân tộc khác trên địa bàn toàn tỉnh. Song, để hoạt động thu hút ngày càng đông học sinh, du khách tham gia, Bảo tàng tỉnh cần đẩy mạnh việc phối hợp với các ngành chức năng, các xã, phường, trung tâm học tập cộng đồng để có thêm nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến các dân tộc để trưng bày, nhằm làm phong phú hơn các hoạt động trải nghiệm, góp phần giáo dục, quảng bá đến nhân dân những giá trị văn hóa cần được bảo tồn.

Theo Báo Sơn La