Hoàn thành đề tài khoa học cấp tỉnh “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc thái ở Sơn La trong quá trình hội nhập quốc tế”
Lượt xem: 391
Ngày 09/6/2017, Hội đồng Nghiệm thu cấp tỉnh đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La trong quá trình hội nhập quốc tế”. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc với 9/9 thành viên hội đồng nhất trí.

Người Thái ở Sơn La có dân số đông nhất, chiếm 54,76% dân số của tỉnh, cư trú lâu đời ở Sơn La, có ảnh hưởng nhiều đến các dân tộc láng giềng. Vì vậy, thực hiện đề tài nghiên cứu toàn diện về dân tộc Thái nhằm làm tiền đề để nghiên cứu các dân tộc anh em khác ở tỉnh Sơn La.

Đề tài lấy đối tượng là nghiên cứu giải pháp giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La trong quá trình hội quốc tế.

Với phạm vi nghiên cứu thực trạng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La từ khi thiên di tới mảnh đất Sơn La trong mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng dân tộc Thái cùng các dân tộc anh em khác ở vùng Tây Bắc và ở trong nước; Nghiên cứu cộng đồng dân tộc Thái đang sinh sống tập trung ở các tỉnh trong nước như: Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu,  Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và ở hai nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa để đối chiếu, so sánh lựa chọn những giải pháp khả thi nhất.

Đề tài đã đóng góp: (1) Giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La được trình bày có hệ thống và khoa học như tiền đề để tiếp tục triển khai nghiên cứu về các dân tộc anh em ở tỉnh Sơn La; (2) Những vấn đề lý luận về dân tộc và văn hóa, giá trị văn hóa và giá trị văn hóa Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng về văn hóa, miền đất và con người Sơn La trong quá trình phát triển của dân tộc Thái, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần; văn hóa của dân tộc Thái ở Sơn La trong quá trình hội nhập và phát triển; năm nhóm giải pháp giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La được đề tài trình bày rõ và có hệ thống; (3) Những giải pháp được Đề tài đề xuất là những căn cứ khoa học góp phần giúp cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch trong giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La trong quá trình hội nhập và phát triển, có thể dùng làm tài liệu nghiên cứu và giảng dạy về đường lối văn hóa của Đảng trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Kết quả nghiên cứu của đề tài phục vụ thiết thực cho Đảng bộ tỉnh và chính quyền xây dựng, hoàn thiện và chỉ đạo thực hiện tốt chính sách văn hóa nói chung và chính sách văn hóa dân tộc Thái nói riêng; phục vụ cho công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách và hướng dẫn thực hiện chính sách của các tổ chức đảng, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, các huyện và thành phố có đồng bào Thái sinh sống; phục vụ tích cực công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu môn văn hóa dân tộc thiểu số ở các học viện, nhà trường và đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa.

Để thực hiện đề tài, có sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Đề tài đã xây dựng được các báo cáo khảo sát, điền dã tại 2 nước; 6 tỉnh và 12 huyện, thành phố; xây dựng được 81 chuyên đề; tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về các chuyên đề, các đề tài nhánh, đề cương cuốn sách, biên soạn bản thảo cuốn sách “Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc Thái”; sản xuất 13 tập phim về các nét đặc trưng văn hóa  dân tộc Thái tỉnh Sơn La.

Các sản phẩm của đề tài đã được chuyển giao cho Thư viện tỉnh, gửi đến các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành phục vụ công tác nghiên cứu, tham khảo, tìm hiểu về dân tộc Thái.

Với những đóng góp rất quan trọng của đề tài khoa học “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La trong quá trình hội nhập quốc tế”, chắc chắn đồng bào dân tộc Thái cùng đồng bào các dân tộc Sơn La nhất định sẽ thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng về phương hướng phát triển chung của sự nghiệp văn hóa nước ta, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, tạo cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa như động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong công cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Hải Yến