Lễ cấp sắc - Nét đẹp văn hóa của người Dao
Lượt xem: 514
Lễ cấp sắc là nét đẹp văn hóa được duy trì từ nhiều đời nay của đồng bào dân tộc Dao ở Sơn La nói chung và người Dao Tiền ở Mộc Châu nói riêng. Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, có tính chất giáo dục đối với thế hệ trẻ về cội nguồn quá trình thiên di của người Dao.

http://baosonla.org.vn/Uploads/Images2017/bsjcpgrv.JPG 

Tái hiện Lễ cấp sắc của người Dao tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2017.

Người Dao ở Sơn La gồm nhiều nhóm: Dao Tiền, Dao Đỏ và Dao Quần Chẹt, nhưng dù ở nhóm nào thì người đàn ông cũng đều phải trải qua lễ cấp sắc mới được cộng đồng làng bản công nhận đã trưởng thành, được tham gia các việc trong làng bản. Trình tự của nghi Lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở Mộc Châu gồm: Gia đình người được cấp sắc làm Lễ nhận thầy cả và thầy hai, trong đó thầy cả làm lễ cấp đèn, cấp hương cho người được cấp sắc. Sau đó, cả hai thầy làm lễ cấp đèn cho người được cấp sắc (Đối với người Dao tiền ở Sơn La, Lễ cấp sắc thường làm 3 đèn, chỉ trưởng họ mới được tổ chức lễ cấp sắc 12 đèn). Thầy cả đứng trước ban thờ tổ tiên và thần linh cầu phù hộ và xin đưa thần linh đến nhà người thụ lễ để làm Lễ cấp sắc, xin được lấy tên cho người được cấp sắc, đặt tên xong thầy cả làm lễ cấp phép cho người cấp sắc được phép sử dụng các đồ nghề của thầy cúng như: Khăn buộc, tranh múa, tranh Tam Thanh, trống, chiêng, tù và, chuông, que múa... Thầy cả làm lễ cấp phép cho người được cấp sắc từ nay có thể đi làm thầy; múa tống thần đất và thần rừng; cúng thần linh cầu lộc, cầu tài cho người được cấp sắc; Lễ nhảy đồng; cúng cầu may mắn, sức khỏe cho người được cấp sắc; đọc thơ ca truyện cổ, hát Páo dung; Lễ xóa những kiêng kị và lễ tống đại thần ra về.

Tham gia Lễ cấp sắc gồm: người được cấp sắc, 2 thầy cúng chính, 1 thầy cúng phụ, 3 người đọc thơ, 3 nam và 3 nữ thanh niên hát, họ hàng nội, ngoại người được cấp sắc, người giúp việc cho buổi lễ và người dân trong bản. Gia đình tự chọn thầy cúng, mặc định thầy cả là người bên họ nhà ngoại, thầy hai là người bên họ nhà nội và thầy giúp việc.

Ông Lý Văn Chin, là người dân tộc Dao Tiền, ở xã Phiêng Luông (Mộc Châu) cho biết: Nét độc đáo trong Lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở Mộc Châu là phần đọc thơ ca truyện cổ, hát Páo dung. Ba người nữ hát đứng hát ở chỗ cây tre đan vào nhau được chuẩn bị sẵn, 3 người nam hát đứng ở góc nhà hát đối đáp. Nhóm hát các trường đoạn từ khi con người được sinh ra, dạy dỗ đến khi trưởng thành như thế nào, hát mừng cho tên mới của người được cấp sắc. Trong khi đó, gia chủ chuẩn bị một mâm cơm đặt ở giữa nhà. Thầy cả làm lễ mượn thần linh những bài thơ ca, truyện cổ, xin phép tổ tiên, thần linh được đọc. Qua đó giáo dục người con nhớ đến công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ để sau này báo hiếu.

Chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu, cho biết: Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao Tiền ở Mộc Châu còn giữ được bản sắc gốc, gồm nhiều nghi thức liên quan đến văn hóa, tinh thần hay lĩnh vực tâm linh, văn học nghệ thuật, tập quán sinh hoạt và giáo dục, tập quán liên kết, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Vừa qua, tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu, Lễ cấp sắc của người Dao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Dao ở Sơn La nói chung trong đó có cộng đồng người Dao Tiền ở Mộc Châu, qua đó, quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa của người Dao, thu hút du khách gần xa đến với Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.

Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao, qua đó, người được cấp sắc và những người tham dự có thể hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn của mình từ những bài cúng, tích truyện mà thầy cúng đọc, từ đó, nâng cao ý thức bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Dao. Lễ cấp sắc có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào Dao, giúp họ có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hướng tới điều tốt đẹp trong tương lai, hướng người đàn ông dân tộc Dao cũng như các thành viên trong cộng đồng biết tôn sư trọng đạo, kính trọng cha mẹ, luôn làm điều thiện.

Theo Báo Sơn La