Giữ nghề dệt vải ở bản Búc
Lượt xem: 413
Nhiều năm trước, ở bản Búc, xã Quang Huy (Phù Yên) không nhà nào là không có khung cửi dệt vải. Nghề dệt vải ở nơi đây có tự bao giờ không ai biết, chỉ biết rằng, đồng bào dân tộc Thái lớn lên cùng âm thanh rộn ràng của tiếng thoi chạy trên khung dệt. Tuy nhiên, hiện nay, do sự phát triển của nền kinh tế, những chiếc khung cửi cùng với tiếng kẽo kẹt nhịp nhàng thoi đưa đã dần đi vào quên lãng.

 http://baosonla.org.vn/Uploads/Images2017/rab4orfr.jpg

Người dân bản Búc, xã Quang Huy (Phù Yên) duy trì nghề dệt vải truyền thống.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Lò Thị Sơn, bản Búc, xã Quang Huy, bên ngôi nhà sàn lợp ngói đã nhuốm màu thời gian; dưới sàn, chiếc khung cửi vẫn còn đang dệt dở dang tấm vải trắng. Tuy đã gần 70 tuổi, mắt đã kém, nhưng lúc nông nhàn bà vẫn ngồi bên khung cửi hàng tiếng đồng hồ để dệt vải, phần vì nhớ nghề, phần muốn nhắc nhở con cháu trong gia đình không quên nghề dệt truyền thống. Bà Sơn chia sẻ: Tôi được mẹ truyền dạy cho nghề dệt vải từ năm 14 tuổi. Trước đây, con gái Thái ai cũng biết quay sợi, mọi đồ dùng như: Chăn, đệm, gối, ghế ngồi, địu làm của hồi môn mang về nhà chồng đều làm từ vải tự dệt. Vào dịp tết hay lễ hội, ai cũng diện những bộ áo cóm đẹp nhất. Ngày nay, lớp trẻ không còn mặn mà với dệt vải nữa, do sự tiện lợi của những đồ may mặc sẵn, ngày càng ít người mặc váy áo dân tộc. Những người lớn tuổi như chúng tôi buồn lắm.

Công đoạn để dệt ra một tấm vải khá cầu kỳ, từ trồng bông, xe bông, quay sợi và dệt... Cây bông sau khi trồng được 3 tháng thì cho thu hoạch, được bông phơi nắng rồi đưa vào máy cán quay tay để tách hạt đem bật rồi quấn thành từng đọt ngắn để kéo sợi trên guồng xa quay tay (pẳn hục). Khi bông đã thành sợi, đưa sợi bông vào guồng, cuốn thành từng con để đem hồ bằng cháo gạo tẻ loãng (khá phái), rồi đem giăng trên sàn phơi cho sợi khô. Sau công đoạn này, sợi được cuốn vào suốt, giăng sợi, lắp go (phền hục) và đưa vào khung cửi để dệt ra những tấm vải. Sợi phải được chuốt bằng bàn chải làm từ lông lợn rừng, trước khi được giăng lên khung và cuốn vào suốt lớn để dệt. Toàn bộ quá trình được làm thủ công bằng tay với những công cụ thô sơ nên đòi hỏi sự tỉ mẩn và nhẫn nại của những người làm ra nó. Vì vậy, những cuộn vải chắc chắn, sợi vải đẹp, không bị xô, càng nói lên sự khéo léo, nết na của người con gái Thái đã được cha mẹ dạy dỗ cẩn thận.

Tấm vải dệt truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cũng như tâm linh của đồng bào dân tộc Thái, không những phục vụ cho nhu cầu mặc hằng ngày của gia đình, mà còn được dùng để thờ cúng ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nền kinh tế phát triển, nhiều phụ nữ vào làm việc trong các cụm công nghiệp nên không còn thời gian để dệt; trong các lễ cưới, người dân không còn khắt khe đòi hỏi của hồi môn mà cô dâu phải mang về nhà chồng. Các mặt hàng may sẵn nhiều nên thiếu nữ Thái không còn thường xuyên mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình mà chỉ diện trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi. Cùng với đó, trên thị trường bán tràn lan vải dệt bằng máy công nghiệp với giá rẻ là những nguyên nhân khiến nghề dệt truyền thống đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một.

Trăn trở với nghề dệt vải truyền thống của địa phương, ông Hà Ngọc Ắng, Trưởng bản Búc chia sẻ: Ban quản lý bản luôn khuyến khích bà con giữ gìn và phát huy nghề dệt truyền thống của ông bà, tổ tiên để lại. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, chứ chưa có sự hỗ trợ cụ thể. Một số ít hộ còn giữ được nghề, không tự trồng bông, kéo sợi, mà mua sợi ở chợ về dệt để tiết kiệm thời gian. Người biết dạy người chưa biết, người lớn tuổi truyền kinh nghiệm cho người nhỏ tuổi. Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ, để các thế hệ sau trong bản giữ gìn được bản sắc văn hóa của cha ông để lại.

Bây giờ, đồng bào dân tộc Thái ở bản Búc truyền tai nhau câu nói: “Nhinh hú hệt phái, trai hú sàn he” với hàm ý nếu như người đàn ông biết đan chài, bắt cá thì phụ nữ phải biết dệt vải, may váy áo, chăn đệm... Dệt vải được xem như một nghề gắn liền với cuộc sống của người dân. Vì vậy, để giữ gìn nghề dệt vải truyền thống, rất cần có những phương án đào tạo nâng cao tay nghề và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch. Điều đó không chỉ đơn thuần là bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc, mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

Theo Báo Sơn La