Du lịch Vân Hồ - Những vấn đề đặt ra: Kỳ II: Cần hướng mở để phát triển du lịch bền vững
Lượt xem: 434
Trả lời phóng viên về việc quy hoạch, xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của huyện Vân Hồ, đồng chí Lường Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Dựa vào các yếu tố lợi thế (thời tiết, khí hậu, cảnh quan, văn hóa, nông nghiệp...), huyện đang tập trung quy hoạch, xây dựng phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch trọng tâm, gồm: Dịch vụ lưu trú: Đẩy mạnh phát triển số lượng, đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch, đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định, đặc biệt quan tâm phát triển dịch vụ lưu trú cộng đồng. Dịch vụ ăn uống: Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ ẩm thực phục vụ khách du lịch; khuyến khích các loại hình ẩm thực độc đáo, tiêu biểu của các dân tộc Thái, Dao, Mường, Mông và các loại đồ uống truyền thống. Dịch vụ giải trí: Từng bước hình thành một số dịch vụ vui chơi, thư giãn (tắm nước nóng, tắm suối, tắm thuốc, vật lý trị liệu, trò chơi,...)

http://baosonla.org.vn/Uploads/Images/w3uss5ir.jpg
Một điểm du lịch cộng đồng ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ.

Tại trung tâm huyện, xã Chiềng Yên và một số địa điểm có điều kiện. Xây dựng các tuyến du lịch nội huyện, tuyến du lịch liên kết vùng với các điểm, khu du lịch trong tỉnh, vùng Tây Bắc và cả nước. Đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo các di tích, danh thắng gắn với các sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ du khách (khu đồi thông bản Hua Tạt, rừng đặc dụng Xuân Nha; thác Tạt Nàng, suối nước nóng, suối cá xã Chiềng Yên, di tích cấp quốc gia hang mộ Tạng Mè xã Suối Bàng, đền Hang Miếng xã Quang Minh, thác Chiềng Khoa...). Phục dựng, phát triển các lễ hội (lễ hội Hoa ban, lễ Lập Tịnh, lễ hội Nào Sồng...). Bảo tồn, tôn tạo kiến trúc nhà (nhà ở, nhà bếp), tư liệu và dụng cụ sản xuất (cọn nước, cối nước, kho thóc, vườn cây, ruộng bậc thang...). Hình thành các sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc trưng của địa phương (đào xã Lóng Luông, quýt Pà Puộc, xã Chiềng Yên; gạo tẻ dâu xã Song Khủa; nhãn xã Chiềng Xuân; rau sạch xã Vân Hồ...).

Qua tìm hiểu được biết thêm, huyện Vân Hồ đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn, tiêu biểu là Dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng và dịch vụ hỗn hợp Bó Nhàng, quy mô dự kiến 28,4 ha, bao gồm: Khu dịch vụ thương mại, lưu trú, dịch vụ cộng đồng và vùng đệm xanh bảo tồn các giống chè cổ, tràm trà (10 ha); khu đồi thông, cổng chào (2,3 ha); khu dịch vụ nhà hàng, bar, dịch vụ spa (7 ha); khu cắm trại, chòi câu, duy trì bảo vệ nguồn nước (8,8 ha). Hiện, Công ty cổ phần VIG dịch vụ cộng đồng đang triển khai lập báo cáo dự án khả thi và phối hợp với Công ty cổ phần Tư vấn, đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới - Vinaconex R & D tiến hành lập quy hoạch chi tiết 1/1.500 khu vực thực hiện dự án. Huyện Vân Hồ đã và đang phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các dự án phát triển du lịch, gồm: Dự án du lịch sinh thái và văn hóa tại xã Chiềng Yên; khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ. Năm 2016, huyện tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh cho chủ trương và kinh phí lập quy hoạch tổng thể không gian du lịch, quy hoạch các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được công nhận (hang mộ Tạng Mè, xã Suối Bàng; thác Tạt Nàng, xã Chiềng Yên; đền Hang Miếng, xã Quang Minh) và quy hoạch chi tiết các bản du lịch cộng đồng (bản Hua Tạt, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ...).

Để phát triển du lịch bền vững, Vân Hồ cần tiến hành quy hoạch du lịch ở cấp độ vĩ mô, cách thức làm du lịch cũng như nguồn nhân lực để phục vụ du lịch. Là huyện mới thành lập, Vân Hồ cần quy hoạch du lịch theo nét riêng biệt, độc đáo để thu hút du khách, bởi khi chọn lựa đi du lịch một nơi nào đó, du khách hay các công ty lữ hành thường xem xét rất nhiều vấn đề, lựa chọn nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, dịch vụ phục vụ tốt kết hợp khám phá...

Vân Hồ đang còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; các điểm du lịch mới chỉ là tiềm năng chưa được đầu tư, khai thác. Dịch vụ vui chơi, giải trí còn hạn chế, khách du lịch chủ yếu đi tự túc và hầu hết là ít nghỉ lại qua đêm; đội ngũ lao động du lịch hạn chế cả về số lượng và nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động du lịch theo cơ chế thị trường. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phục vụ du lịch như: Đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, còn chồng chéo về sản phẩm giữa các khu, chưa phát huy được tiềm năng sẵn có mang đặc trưng của địa phương. Sự liên kết vùng giữa Vân Hồ với các địa phương khác, đặc biệt là với Hà Nội trong hoạt động du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa thu hút được các công ty lữ hành đến xây dựng thiết kế các tuor du lịch; quy hoạch phát triển tại khu, điểm du lịch chưa được triển khai kịp thời. Vì vậy Vân Hồ chưa thể là “điểm đến” của các nhà đầu tư về du lịch. Ở thời điểm hiện nay, Vân Hồ chỉ có thể được coi như một “mỏ vàng” đối với các công ty xây dựng mà thôi.

Để từng bước khai thác tiềm năng du lịch, cụ thể hóa các định hướng và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển du lịch của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La nói chung, huyện Vân Hồ nói riêng, trước mắt Vân Hồ cần sớm quan tâm đầu tư, khai thác các hoạt động du lịch hiện có; nhanh chóng phối hợp với các công ty lữ hành trong và ngoài nước tạo ra những tour du lịch thường xuyên đến Vân Hồ; khai thác tài nguyên du lịch một cách có hệ thống với tầm nhìn chiến lược, từng bước tạo nên những điểm nhấn ấn tượng ghi dấu ấn trong lòng du khách và các công ty lữ hành... Quan trọng hơn cả là Vân Hồ cần hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân, các điểm đăng ký làm du lịch cộng đồng hoàn thành các tiêu chí cấp phép; từng bước tạo thói quen trong khai thác, phát triển du lịch cộng đồng, người dân phải có thu nhập ổn định từ hoạt động du lịch thì mới gắn bó với du lịch. Cần tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về du lịch và hiệu quả hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động các cá nhân, tổ chức tự giác và tích cực tham gia xã hội hóa trong hoạt động du lịch... 

Theo Báo Sơn La