Khai thác tốt tiềm năng du lịch
Lượt xem: 401
Báo Sơn La - xứ sở của hoa ban trắng, núi non hùng vĩ với nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng, cùng hệ thống danh thắng du lịch hấp dẫn đang được đầu tư, khai thác phục vụ du khách.

Lòng hồ thủy điện Sơn La, một trong những tiềm năng phát triển du lịch.

Không chỉ có vậy, đến với Sơn La, du khách còn được chiêm ngưỡng bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, ngất ngây bên chum rượu cần, thả hồn theo câu khắp, lời đang và vũ điệu xòe Thái trong ánh lửa bập bùng của đêm hội nhạc rừng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 68 di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh được kiểm kê và đưa vào danh mục. Trong số đó, có 12 di tích được công nhận xếp hạng cấp quốc gia, 35 di tích được công nhận xếp hạng cấp tỉnh, với các loại hình di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ học. Nổi bật, là Di tích lịch sử bảo tàng và nhà tù Sơn La, di tích Văn bia Quế Lâm Ngự Chế - Đền thờ vua Lê Thái Tông; Hang bản Thẳm, Kỳ đài Thuận Châu; Tượng đài Thanh niên xung phong ngã ba Cò Nòi; Tháp Mường Và...

Điểm nhấn khi đến với Sơn La là cao nguyên Mộc Châu. Điều kiện tự nhiên nơi đây rất lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng bởi khí hậu tương tự với các khu nghỉ mát nổi tiếng như Sa Pa, Đà Lạt. Với độ cao trung bình hơn 1.000m, nằm giữa sông Đà ở phía Đông Bắc và sông Mã ở phía Tây Nam, Mộc Châu có khí hậu thoáng mát, nhiệt độ trung bình năm 18 độ. Mộc Châu hiển hiện với cao nguyên xanh thẳm, nên thơ, say đắm lòng người bên những đồi chè ngút ngàn tầm mắt, những vườn mận hoa trắng, những ngọn núi bốn mùa mây phủ và các bản làng ẩn hiện trong sương sớm cùng những thửa ruộng bậc thang nối nhau trên triền đồi. Du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của động Sơn Mộc Hương với các nhũ đá tuyệt đẹp, huyền bí; rừng thông bản Áng (Ðông Sang), thác Dải Yếm (Mường Sang) cao 100 m và các danh thắng như núi Pha Luông, sông Ðà, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha cùng hệ thống suối nước khoáng: Phụ Mẫu, bản Bó, Hua Păng. Hiện tại, trên địa bàn huyện vẫn lưu giữ nhiều di tích như: Đồn Mộc Lỵ, bia lưu niệm Ðoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào thuộc xã Ðông Sang, di tích Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Mộc Châu tại tiểu khu 13 của thị trấn, di tích lịch sử Ðoàn 52 Tây Tiến đánh thực dân Pháp, di tích chùa Vạt Hồng, đền Hang Miếng và các di chỉ khảo cổ ven sông Ðà đang tiếp tục được nghiên cứu, khai quật. Thêm vào đó là tour du lịch lòng hồ Thủy điện Sơn La, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí về một miền văn hóa sông nước...

Về tài nguyên du lịch nhân văn, Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và tương đồng. Nhiều làng, bản dân tộc còn giữ được các giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống, được xem như là tài nguyên du lịch nhân văn đặc thù để khai thác, tạo thành những sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị. Nhiều làng bản dân tộc có đủ điều kiện để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo, như các bản: Phụ Mẫu, Nà Bai, xã Chiềng Yên; bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu); bản Hài, bản Cá, bản Bó (phường Chiềng An), bản Tông, bản Hụm, xã Chiềng Xôm (Thành phố); bản Han 4, bản Han 5, xã Mường Do (Phù Yên); bản Lướt, xã Ngọc Chiến (Mường La); bản Ca, bản Đúc, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai)... Các lễ hội như: Lễ hội mợi, lễ kéo si, lập tịnh, lễ hội hoa ban, xên bản, xên mường, xíp xí, cầu mưa, cầu mùa, nào xồng, gieo hạt, kin pang then, gội đầu, xên pang ả, mương a ma, mừng cơm mới... Các trò chơi dân gian như: đua thuyền, tung còn, ném pa pao, bắn nỏ, giã bánh dày, kéo co, đẩy gậy, đánh tu lu, rồng ấp trứng, tó mak lẹ... Về vũ, nhạc dân tộc có các điệu xòe, múa xạp, múa nón, múa khèn, múa ô, nhảy tha kềnh, múa chuông, múa cống tốp, au eo, cùng câu khắp, lời đang, câu ví...

Du khách một lần đặt chân lên vùng đất Sơn La - Tây Bắc sẽ không quên hương vị những món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc. Ẩm thực dân tộc Thái tương đối đặc sắc và đa dạng, sử dụng nhiều gia vị để chế biến các món ăn, dùng gia vị nóng để trung hòa món ăn lạnh, lấy vị chát, bùi  trung hòa vị đắng, cay... Đặc biệt có các món ăn côn trùng, rau, măng khai thác trong rừng, các món nướng, xôi đồ, các món thịt khô, da chua, cá nướng, mẳm cá...

Để khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu phấn đấu phát triển du lịch cơ bản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Sơn La. Giai đoạn 2013 - 2020, phấn đấu tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 20%/năm. Chú trọng tăng trưởng có chất lượng, hướng tới khách du lịch nghỉ dài ngày và sử dụng nhiều dịch vụ. Doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch năm 2015 đạt 1.500 tỷ đồng; năm 2020 đạt khoảng 2.000 - 2.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2030, xây dựng sản phẩm du lịch theo tour, tuyến du lịch tạo cho khách những trải nghiệm mới với mục tiêu nâng thời gian lưu trú của khách tại Sơn La, phấn đấu doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, năm 2030 đạt khoảng 5.500 tỷ đồng.

Với vị trí địa lý và tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, Sơn La đang sở hữu những tài nguyên du lịch thiên nhiên và nhân văn hấp dẫn, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và du lịch của cả nước.

Khánh Vân