Một số ý kiến về Chiến lược và Quy hoạch phát triển Điện ảnh đến năm 2020
Lượt xem: 924
Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, hoạt động điện ảnh bao gồm từ khâu sản xuất ra tác phẩm, phát hành và phổ biến tác phẩm điện ảnh. Tác phẩm Điện ảnh là những bộ phim truyện, tài liệu, các thể loại phim khác; phát hành là việc cung ứng các sản phẩm đó tới người tiêu dùng; phổ biến là thực hiện công tác chiếu phim phục vụ nhân dân. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân càng cao. Điện ảnh không nằm ngoài xu thế đó. Điện ảnh mang lại định hướng tư tưởng, nhận thức và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Những năm qua hoạt động Điện ảnh tỉnh Sơn La đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà Nước, đem ánh sáng văn hoá của Đảng đến với mỗi người dân để nâng cao nhận thức, mở rộng tầm nhìn, qua đó để nhân dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Việc thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 hiện nay là hết sức cần thiết và phù hợp đối với Điện ảnh cả nước nói chung và Điện ảnh tỉnh Sơn La nói riêng, để phát triển toàn diện, có bước đi vững chắc về mô hình tổ chức, về cơ chế điều hành, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, nhằm thể chế hóa đường lối quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đề ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động của Điện ảnh ở địa phương.

Đối với tỉnh Sơn La: có Nghị quyết số 319/NQ-HĐND ngày 13 tháng 4 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La về phê chuẩn Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá tỉnh Sơn La giai đoạn 2010 – 2020; Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIII; Quyết định số 1277/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về Phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, các công trình phúc lợi công cộng, khu du lịch, vui chơi giải trí, quảng trường, công viên, thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa tổ bản tỉnh Sơn La đến năm 2015; Chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc thực hiện Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay ngành đã trình xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lập Đề án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, rạp chiếu phim trên địa bàn toàn tỉnh. Với các mục tiêu, nội dung chủ yếu là:

Mục tiêu

Đầu tư xe ô tô chở thiết bị, con người và diễn viên quần chúng phục vụ cho công tác sản xuất phim. Sản xuất phim phóng sự tài liệu đảm bảo chất lượng; 07 phim/năm với thời lượng 20 - 30 phút;  Đồng thời, nâng cấp trang thiết bị cho các đội chiếu phim nhằm nâng cao chất lượng chiếu phim kết hợp thông tin, tuyên truyền cổ động. Tổ chức chiếu phim phục vụ đồng bào các dân tộc vùng cao 5.616 buổi/năm (phim video 100 inch) tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh; 2.818 điểm chiếu, phục vụ 1.570.000 lượt người xem. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở điện ảnh huyện trong đó có phòng làm việc và bãi chiếu phim; các cơ sở điện ảnh này phục vụ các sự kiện chính trị, tại trung tâm thị trấn, có hoạt động phong phú đa dạng theo hướng có thu để trang trải một phần kinh phí thuê khoán nhân công không để biên chế tăng thêm. Giữ mức bình quân hưởng thụ chiếu bóng của nhân dân trên 1 lần/người/năm. Xây dựng cụm Rạp chiếu phim tại trung tâm Thành phố.

Nội dung

* Về cơ chế, chính sách: Nhà nước có chính sách đầu tư thông qua chương trình hỗ trợ phát triển điện ảnh: Đảm bảo phương tiện và 100% kinh phí ngân sách để sản xuất phim phóng sự, phóng sự tài liệu có nội dung phù hợp với địa bàn, lồng tiếng thuyết minh phim bằng tiếng dân tộc thiểu số từ hai thứ tiếng trở lên; có chính sách tài trợ phổ biến phim: Nhà nước có chính sách đảm bảo đủ kinh phí thực hiện các buổi chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, phục vụ thiếu nhi, phục vụ lực lượng vũ trang với các buổi chiếu tại các Rạp chiếu phim và các buổi chiếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và các buổi chiếu phim và tổ chức đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội trong những ngày lễ, kỷ niệm sự kiện trọng đại; Có chính sách ưu tiên quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim trong quy hoạch khu đô thị: Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khu đô thị, khu dân cư phải dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim ở vị trí trung tâm và tỷ lệ xây dựng rạp phù hợp với quy mô phát triển dân số; được hưởng chính sách ưu đãi được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của Pháp luật. Trước hết, đầu tư xây dựng 01 rạp tại thành phố Sơn La theo đúng tiêu chuẩn rạp chiếu phim; giai đoạn sau sẽ tiến tới quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở điện ảnh tại các huyện để đảm bảo đúng chức năng nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp có thu.

*Về đất đai, địa điểm; về đầu tư cơ sở vật chất và rạp chiếu phim:

Về địa điểm và vị trí đất quy hoạch rạp ở thành phố:  Bố trí quỹ đất có khuôn viên rộng 4000 m2 để xây dựng cụm Rạp chiếu bóng, diện tích xây dựng 1.800m2 (02 phòng chiếu: 01 phòng 500 - 800 ghế; 01 phòng quy mô 200 ghế). Trang bị 02 máy chiếu phim HD - 3D (công nghệ hiện đại).

Về địa điểm và vị trí đất quy hoạch giai đoạn tiếp theo ở cấp huyện:  Bố trí quỹ đất tại các huyện trong tỉnh: từ 2.000m2 trở lên và được quy hoạch tại khu vực trung tâm thị trấn, nơi tập trung đông dân cư để giai đoạn sau xây dựng các cơ sở điện ảnh gồm phòng họp, nhà để thiết bị máy móc, bãi chiếu phim kết hợp tuyên truyền cổ động và biểu diễn nghệ thuật.

 Về đầu tư cơ sở vật chất:   Đầu tư phương tiện 01 ô tô 16 chỗ ngồi chở thiết bị, con người và diễn viên quần chúng phục vụ cho công tác sản xuất phim;  Đầu tư 26 bộ máy chiếu phim thay thế cho thiết bị chiếu phim của các đội chiếu bóng lưu động; Đầu tư thiết bị máy chiếu phim  tại Rạp

Kinh phí đầu tư và phân kỳ thực hiện: Khoảng 160 tỷ đồng. Gồm: Thiết bị máy chiếu phim lưu động:

Đầu tư xe ô tô phục vụ sản xuất phim tài liệu, nghệ thuật.

Xây dựng mới cụm Rạp chiếu phim 26-8 tại thành phố.

Khi đề án được phê duyệt, hàng năm lập kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện.

Để thực hiện được các nội dung trên, đề nghị  Trung ương và tỉnh:

Tăng cường đầu tư kinh phí, tăng mức chi cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và rạp chiếu phim

Nhà nước đầu tư phát triển thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hàng năm nâng mức đầu tư cho phát triển Điện ảnh của tỉnh. Hàng năm bổ sung kinh phí đầu tư phát triển từ nguồn XDCB tập trung của tỉnh để cấp trang thiết bị phương tiện chuyên dụng; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ; chi phí hoạt động của một số loại hình nghiệp vụ sản xuất, phổ biến và phát hành phim.

Làm tốt công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đất, cấp quyền sử dụng đất cho đầu tư xây dựng

Bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp; Đảm bảo diện tích sử dụng theo chức năng của các thiết chế, đặc biệt lưu ý tới việc bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh.

Nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế chính sách phù hợp

Chính sách là phương thức thể hiện sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước; bao gồm các chính sách sau:

 Nhóm chính sách về đầu tư xây dựng và đầu tư về cơ sở vật chất

 Nhóm chính sách về đào tạo, tập huấn

 Nhóm chính sách về tăng cường sự quản lý các thiết chế

Làm tốt công tác  xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch

Chủ trương xã hội hoá cần được thể chế hoá thành cơ chế chính sách huy động vốn đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao và du lịch, tổ chức các hoạt động. Chủ trương xã hội hoá cũng cần thể hiện trong các dự án. Các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội phải có mục tiêu về hoạt động./.

Trần Ngọc Quang

1