Du lịch “xứ sở sương mù”: Kỳ 2: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Lượt xem: 554
Du lịch Vân Hồ đang có những khởi sắc, tuy nhiên vẫn chưa phát triển tương xứng so với tiềm năng, còn khá mờ nhạt trên cung đường “du lịch qua miền Tây Bắc”. Làm thế nào để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành nguồn lực phục vụ việc phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững vẫn là niềm trăn trở của cấp ủy, chính quyền huyện Vân Hồ.

Còn nhiều khó khăn trong phát triển du lịch

Du lịch ở Vân Hồ mới bắt đầu  nhen nhóm mấy năm gần đây, chủ yếu là các điểm du lịch cộng đồng. Ở xã Chiềng Yên, một trong những địa bàn hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch; có thác Tạt Nàng, có suối nước nóng tại bản Phụ Mẫu hàm lượng khoáng cao, nhiệt độ ổn định, hòa cùng với khung cảnh nên thơ của núi rừng; có suối cá bản Bướt, với chiều dài trên 3 km, có nhiều loài cá khác nhau được nhân dân bản địa bảo tồn một cách tự nhiên. Cùng bản sắc văn hoá truyền thống phong phú, đa dạng của người dân bản địa, kết hợp với các món ẩm thực mang đậm bản sắc của dân tộc Mường, Thái...

Thác Chiềng Khoa một trong những thắng cảnh đẹp của Vân Hồ.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, cả xã Chiềng Yên hiện chỉ có khoảng 20 hộ làm du lịch cộng đồng chủ yếu phục vụ ăn uống chưa có nhiều khách ngủ qua đêm; những thắng cảnh đẹp chưa được đầu tư, bài bản vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Ông Bùi Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên, chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong phát triển du lịch ở Chiềng Yên là cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là đường giao thông, những xe du lịch lớn không vào được các điểm du lịch. Đã có nhiều doanh nghiệp đã đến tìm hiểu khảo sát nhưng đều không thấy quay trở lại. Cùng với đó, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn chưa có vốn để đầu tư phát triển du lịch quy mô lớn...

Còn tại xã Chiềng Khoa, nơi có thác Nàng Tiên và thác Chiềng Khoa (hay còn gọi là thác 7 tầng) đẹp không kém gì Thác Dải Yếm của huyện Mộc Châu, nhưng chưa được đầu tư, khai thác; hoạt động manh mún, tự phát. Ông Hoàng Văn Khun, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa, cho biết: Năm 2020, UBND xã đã thành lập Ban quản lý di tích danh lam thắng cảnh quần thể thác Nàng Tiên, Chiềng Khoa và ban hành quy chế hoạt động quản lý thác. Tuy nhiên, do Ban quản lý thác mới thành lập và đa phần các thành viên trong ban quản lý đều là những người dân địa phương chưa được đào tạo về du lịch nên gặp khó khăn trong công tác quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn do không có kinh phí đầu tư nên chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của khách du lịch...

Ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Vân Hồ là một huyện mới thành lập, đa phần đều là những xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới thuộc diện khó khăn. Hiện chỉ có xã Vân Hồ, Chiềng Khoa là xã khu vực I. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, việc mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, tính liên kết vùng của Vân Hồ với các địa phương khác, đặc biệt với Hà Nội, Hoà Bình trong hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thu hút được các công ty lữ hành khai thác hình thành các tour, tuyến du lịch.

Giao thông đi lại một trong những khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng tại bản Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên.

Khái niệm làm du lịch đối với người dân ở Vân Hồ còn khá mới lạ; cơ sở vật chất để phục vụ du khách còn chưa được đầu tư đầy đủ, cách quản lý, hướng dẫn du khách chưa chuyên nghiệp, đa số các homestay chỉ dừng lại ở các dịch vụ: Lưu trú, tham quan, thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ...; chưa có những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng. Thêm vào đó, huyện Vân Hồ vẫn chưa tìm được những nhà đầu tư lớn, đủ tâm, đủ tầm và đủ năng lực tài chính, có kinh nghiệm làm du lịch để có thể làm thay đổi nhận thức của người dân, khai thác, phát huy hết được những tiềm năng, thế mạnh về du lịch của “xứ sở sương mù”.

Khơi dậy tiềm năng

Nhận thức được những tồn tại, khó khăn trong phát triển du lịch, cấp ủy, chính quyền nơi đây đã và đang triển khai nhiều giải pháp để du lịch Vân Hồ phát triển xứng với tiềm năng, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ông Nguyễn Hợp Cường, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Đảng bộ huyện xây dựng chương trình hành động về phát triển du lịch, giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, có sự tương hỗ của ngành nông nghiệp; sản phẩm du lịch có chất lượng mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Vân Hồ. Xây dựng huyện Vân Hồ là điểm đến hấp dẫn nằm trong khu du lịch quốc gia Mộc Châu, có hạ tầng du lịch, dịch vụ và các sản phẩm du lịch cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia; có sức cạnh tranh so với các khu du lịch khác trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Phát triển đồng bộ các lĩnh vực, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn; phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường để nâng cao đời sống nhân dân; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 10%/năm. Đến năm 2025, lượng khách đến Vân Hồ đạt trên 300.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 20.000 lượt. Doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch hàng năm đạt trên 250 tỷ đồng...

Vân Hồ đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, như: Đồng hành với các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục về đầu tư, về thủ tục cấp hoặc cho thuê đất, mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án khu du lịch quốc gia Mộc Châu trên địa bàn huyện. Khuyến khích thực hiện xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương kết hợp với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, nguồn ngân sách xã hội hoá, tập trung lập các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch, nâng cao hình ảnh du lịch Vân Hồ trong và ngoài nước; phối hợp với các doanh nghiệp, công ty lữ hành lớn trong nước và quốc tế khảo sát thực tế tại địa phương; tranh thủ mời gọi đầu tư và các chính sách về ưu đãi đầu tư để phát triển du lịch.

Tập trung mọi nguồn lực, thu hút đầu tư tạo điểm nhấn mới, khác biệt về du lịch Vân Hồ. Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Xây dựng và hình thành các chương trình du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp. Phát triển thêm các loại hình: Du lịch nông thôn; du lịch tham quan; du lịch khám phá lồng ghép lịch sử, văn hóa, khảo cổ để tăng sự hấp dẫn đối với du khách. Kết nối hợp tác du lịch với các địa phương lân cận như Mai Châu, Đà Bắc (Hoà Bình), Mộc Châu... để đa dạng hóa và phát triển thị trường nguồn khách du lịch.

Nhà sinh hoạt cộng đồng tại thác Tạt Nàng, xã Chiềng Yên do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển bền vững các di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch, như: Khu đồi thông bản Hua Tạt (Vân Hồ); rừng đặc dụng xã Xuân Nha; thác Tạt Nàng, suối nước nóng, suối cá (Chiềng Yên); di tích Khảo cổ hang mộ Tạng Mè (Suối Bàng), đền Hang Miếng (Quang Minh), thác Nàng Tiên, thác Chiềng Khoa, đền Nàng Bẳng Mương (Chiềng Khoa)... Phục dựng, phát triển và nhân rộng các lễ hội như: Lễ hội hoa Ban, ngày hội hoa Đào, lễ Lập Tịnh, lễ hội Nào Sồng và các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc khác. Khai thác, phát triển các đạo cụ, điệu múa, điệu khèn... của các dân tộc để phục vụ khách du lịch; phục dựng, phát triển các nghề truyền thống, như: Dệt thổ cẩm; rèn; đan mây tre; chế tác các đạo cụ dân tộc... tạo thành các sản phẩm đặc trưng bán cho du khách. Đào tạo nhân lực cho phát triển du lịch, đặc biệt là lao động được đào tạo, có kỹ năng phục vụ, khả năng quản lý, điều hành cơ sở du lịch, bồi dưỡng để người dân địa phương có kỹ năng trình diễn, thuyết minh, phục vụ, đáp ứng yêu cầu của du khách...

Vẫn biết phát triển du lịch ở Vân Hồ còn nhiều gian nan, nhưng với định hướng phát triển khoa học, bài bản, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, tin rằng, trong tương lai không xa, Vân Hồ sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình du lịch qua miền Tây Bắc.