Hết mình vì nghệ thuật dân gian dân tộc Thái
Lượt xem: 421
Nhắc đến bà Hoàng Thị Đanh, mà mọi người quen gọi là bà Mai, sinh năm 1948, dân tộc Thái hiện ở bản Bó, phường Chiềng An (Thành phố) thì mọi người trong bản, trong phường đều quý trọng, nể phục bởi niềm đam mê và cống hiến hết mình vì nghệ thuật dân gian dân tộc Thái của bà.

http://baosonla.org.vn/Uploads/Images/j12xmtmn.jpg
Đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chuyển trao danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho bà Hoàng Thị Đanh.

Qua tiếp xúc, điều dễ nhận thấy bà là người sởi lởi, vui tính, dễ gần. Bà bảo, quê bà ở Mường Vạt, nay là bản Đông Siêng Kẻo, xã Viêng Lán (Yên Châu). Năm lên 12 tuổi, bà đã làm quản ca của lớp học sinh cấp 1; năm 1963 chính thức được tham gia đội văn nghệ nghiệp dư của huyện đi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng cao biên giới thuộc huyện Yên Châu, theo đoàn của Ty Thông tin tỉnh Sơn La. Năm 1964, được tuyển chọn tham gia hội diễn NTQC toàn tỉnh Sơn La lần thứ nhất; Hội diễn lực lượng vũ trang Quân khu 2...

Do có năng khiếu văn nghệ, năm 1966, bà được tuyển thẳng vào làm diễn viên của Đoàn Văn công tỉnh (nay là Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La). Năm 1968, do yêu cầu của tiền tuyến, bà đi lưu diễn phục vụ bộ đội tình nguyện tại chiến dịch giải phóng Mường Son, Mường Pợ (nước CHDCND Lào); tháp tùng đoàn cấp cao của tỉnh Sơn La sang thăm hữu nghị hợp tác tại các tỉnh Bắc Lào.

Năm 1970, sau khi lập gia đình, bà vẫn vượt mọi khó khăn, cùng Đoàn đi biểu diễn phục vụ nhân dân khắp vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới các huyện: Yên Châu, Mộc Châu, Quỳnh Nhai... Trong quá trình công tác, bà cùng Đoàn Văn công của tỉnh tham gia nhiều hội diễn, liên hoan nghệ thuật toàn quốc tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước; được tham gia Festival tại Liên Xô, Hunggari, Anbani... đi đến đâu lời ca, tiếng hát của bà cũng gây nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người nghe. Bà đã đoạt nhiều giải cao tại các Hội diễn nghệ thuật như tham gia Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn miền Bắc, đoạt Huy chương Vàng tiết mục dân ca dân tộc Thái; Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp tại Đà Nẵng, đoạt Huy chương Bạc; Hội diễn Người cao tuổi toàn quốc, đoạt Huy chương Vàng; Hội diễn NTQC khu vực miền Bắc, đoạt Huy chương Vàng; Hội diễn NTQC toàn quốc tổ chức tại tỉnh Điện Biên, đoạt Huy chương Vàng...

Về nghỉ hưu tại Bản Bó, phường Chiềng An, bà vẫn phát huy vai trò hoạt động nghệ thuật, tích cực tham gia xây dựng phong trào văn nghệ cho bản, gây dựng được 4 đội văn nghệ. Cùng với đó, bà còn sáng tác, đạo diễn, dàn dựng nhiều chương trình, tiết mục văn nghệ có chất lượng cao cho các cơ quan, trường học đóng trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, bà đã nghiên cứu, lưu giữ, thực hành và phổ biến, truyền dạy các bài xòe cổ, múa dân gian dân tộc Thái, hát dân ca dân tộc Thái cổ; sưu tầm và truyền dạy rộng rãi các bài dân ca dân tộc Thái cho các thế hệ, như: Hát giao duyên, hát mừng nhà mới, hát “Khay mùa”, hát “Long tông”, các bài trường ca như “Ý Nọi nàng xưa”, “Sống chụ son sao”, “Khun lú nàng ủa”; lưu giữ và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, thêu khăn piêu dân tộc Thái, như: “Hú khít”, “Nả phái lai”, “Lai xỉn Mường Vạt”, “Xiếu piêu cút sam”, Xiếu piêu cút xí”, “Xiếu khăn” và thêu các họa tiết con vật, hoa lá, cây cảnh trên khăn piêu. Đến nay, bà đã có hơn 30 người là học viên, có thể tiếp nối lưu giữ và truyền đạt nghệ thuật dân gian dân tộc Thái cho thế hệ mai sau.

Do có nhiều thành tích và công lao cống hiến trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, bà đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa”; Kỷ niệm chương về “Xây dựng và phát triển tỉnh Sơn La”, cùng nhiều Bằng khen của các cấp. Năm 2015, bà vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Bà mong muốn có sự hỗ trợ của ngành văn hóa để mở các lớp dạy hát, dạy múa, thêu thùa, dệt cửi, lưu giữ bản sắc dân tộc; mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân; được tham quan học hỏi kinh nghiệm bảo tồn văn hóa ở các địa phương khác.

Theo Báo Sơn La