5 NĂM TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TẠI TỈNH SƠN LA
Lượt xem: 856
Trong những năm qua công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình được nâng lên; Thông qua các nội dung và hình thức tuyên truyền đã góp phần nâng cao việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, giảm đáng kể tình trạng bạo lực gia đình (66% số vụ được thống kê), các mâu thuẫn trong gia đình được giải quyết thông qua công tác hòa giải ở cơ sở. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã thu hút được đông đảo các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị và quần chúng nhân dân tham gia.

 - Năm 2010 toàn tỉnh xảy ra 1029 vụ BLGĐ tăng so với năm 2009 là 112 vụ. Trong đó số vụ có tính chất nghiêm trọng là 08 vụ với 10 đối tượng, hậu quả làm chết 01 người, làm bị thương 09 người.

- Năm 2011 toàn tỉnh xảy ra 1145 vụ BLGĐ tăng so với năm 2010 là 116 vụ. Trong đó số vụ có tính chất nghiêm trọng phải xử lý là 16 vụ với 16 đối tượng, hậu quả làm chết 10 người, làm bị thương 08 người.

- Năm 2012 toàn tỉnh đã xảy ra 867 vụ BLGĐ giảm so với năm 2011 là 278 vụ. Trong đó số vụ có tính chất nghiêm trọng phải xử lý 08 vụ với 09 đối tượng, hậu quả làm chết 02 người, làm bị thương 05 người.

- Năm 2013 xảy ra 422 vụ BLGĐ giảm so với năm 2012 là 445 vụ. Trong đó số vụ có tính chất nghiêm trọng phải xử lý 11 vụ, hậu quả làm chết 05 người, làm bị thương 07 người.

- Năm 2014 toàn tỉnh xảy ra 402 vụ BLGĐ giảm so với năm 2013 là 20 vụ. Trong đó số vụ có tính chất nghiêm trọng phải xử lý 14 vụ, hậu quả làm chết 07 người, bị thương 06 người.

  - Năm 2015 trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra 359 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tinh thần có 131 vụ, bạo lực thân thể có 202 vụ, bạo lực tình dục có 11 vụ, bạo lực kinh tế có 15 vụ. 100% các vụ bạo lực gia đình đã được xử lý với các hình thức: Phê bình góp ý trong cộng đồng 306 vụ; cấm tiếp xúc 9 vụ; áp dụng các biện pháp giáo dục 39 vụ, xử phạt hành chính 12 vụ; xử lý hình sự có 7 vụ, tư vấn 48 vụ.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tích đạt đươc, công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn những hạn chế, bất cập, đó là: Công tác tuyên truyền tuy đã được đẩy mạnh song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Việc tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm chỉ đạo hoặc có quan tâm nhưng chưa sâu sát, thường xuyên kịp thời đến công tác xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Công tác triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình điểm về phòng, chống bạo lực gia đình còn chậm, một số huyện, thành phố chưa tổ chức triển khai xây dựng mô hình.  Số vụ bạo lực gia đình còn cao (năm 2015 – 359 vụ) do đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu giảm thiểu đến mức tối đa số vụ bạo lực gia đình, trên cơ sở phương châm “lấy công tác phòng ngừa là chính”, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội; Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách pháp luật thông qua xây dựng chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình; Triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về  phòng, chống bạo lực gia đình tới các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong tỉnh; Xây dựng hướng dẫn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán của từng dân tộc, từng địa phương; Tổ chức thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết định kỳ rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện mô hình, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống bạo lực gia đình; Phát huy hơn nữa vai trò tổ tư vấn, tổ hòa giải của các bản, tiểu khu khi các gia đình gặp vấn đề, đặc biệt khi xảy ra bạo lực gia đình. Tổ chức nhân rộng mô hình điểm phòng chống bạo lực gia đình nhằm giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình tại địa phương.

Tin tưởng rằng trong thời gian tới, công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở tỉnh Sơn La sẽ đạt được những kết quả đã đề ra./.

                                                                                          Lò Thủy