Áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia về Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ vào định hướng phát triển Du lịch cộng đồng tại Sơn La
Lượt xem: 1553
Sơn La có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán và lối sống bản địa của các dân tộc, văn hóa ẩm thực phong phú… là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Đây được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của từng dân tộc và của địa phương.  

- Bản Du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến, Mường La                  - Ảnh: ST

Hiện nay nhiều làng bản dân tộc tại Sơn La đã bước đầu phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng như: Bản Hua Tạt xã Vân Hồ, Bản Nà Bai, bản Phụ Mẫu 1 và Phụ Mẫu 2 xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ); bản Áng xã Đông Sang, bản Dọi xã Tân Lập, bản Vặt xã Mường Sang, Bàn Tà Số xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu); Bản Bó Phường Chiềng An, Bản Mòng xã Hua La, bản Hùn, xã Chiềng Cọ; bản Hụm xã Chiềng Xôm (Thành phố Sơn La); Bản Lướt (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La); xã Mường Chiên (huyện Quỳnh Nhai); bản Suối Chiếu, xã Mường Thải (huyện Phù Yên); xã Mường Bon (huyện Mai Sơn); Trung tâm xã Hồng Ngài - văn hoá dân tộc Mông gắn với hang vợ chồng A Phủ (huyện Bắc Yên)...

 

- Khách Du lịch trải nghiệm tại Homestay A Chu bản Hua Tạt - xã Vân Hồ -  Ảnh: ST

Để phát triển loại hình du lịch này bền vững và tương xứng với tiềm năng, việc nghiên cứu áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ (TCVN 13259:2020) do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào phát triển du lịch cộng đồng tại Sơn La là rất cần thiết.

Tiêu chuẩn quốc gia về Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ (TCVN 13259:2020) nêu rõ quy định những yêu cầu cơ bản về chất lượng dịch vụ và các sản phẩm du lịch cộng đồng do các bên liên quan cung cấp, như: Về dịch vụ hướng dẫn du lịch cộng đồng (gồm: yêu cầu năng lực và kinh nghiệm của người hưỡng dẫn du lịch cộng đồng; yêu cầu nội dung thông tin cung cấp cho khách du lịch); điểm thông tin du lịch cộng đồng (gồm: yêu cầu về vị trí, thiết kế, kiến trúc, trang thiết bị, tiện nghi; yêu cầu quản lý và vận hành của điểm thông tin du lịch); dịch vụ tham quan (gồm: yêu cầu đối với chương trình tham quan du lịch cộng đồng; tổ chức chương trình tham quan du lịch); dịch vụ ăn uống (gồm: yêu cầu chất lượng về cung cấp dịch vụ ăn uống; yêu cầu quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm); dịch vụ lưu trú; dịch vụ vui chơi, giải trí (gồm: yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí; yêu cầu về an toàn và chất lượng dịch vụ); hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống tại cộng đồng (gồm các quy định về tổ chức hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống tại cộng đồng; nội dung chương trình trình diễn văn hóa, nghệ thuật tại cộng đồng); dịch vụ mua sắm sản phẩm địa phương (gồm: yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm sản phẩm địa phương; yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm địa phương).

Đồng thời Tiêu chuẩn cũng nêu rõ các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh, an ninh, phòng chống cháy nổ; bộ quy tắc ứng xử dành cho các bên liên quan đến hoạt động du lịch cộng đồng; mẫu phiếu điều tra sự hài lòng của khách du lịch về chất lượng dịch vụ tại điểm, khu du lịch cộng đồng.    

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La tiếp tục nghiên cứu hướng dẫn, triển khai việc áp dụng có hiệu quả “Tiêu chuẩn quốc gia về Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ”  đến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đã, đang và sẽ làm du lịch cộng đồng, nhằm phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm, bản du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu của bộ tiêu chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý nhà nước về mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phòng Quản lý Du lịch