Kỳ vĩ đỉnh U Bò
Lượt xem: 805
Đỉnh U Bò (còn gọi là đỉnh Sa Mu) là một trong 3 đỉnh núi nằm trong khu vực Tam giác quỷ (theo cách gọi của người dân), thuộc rừng đặc dụng Tà Xùa. Khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm, nơi đây là vương quốc của các loài kỳ hoa, dị thảo giữa khu rừng nguyên sinh mang đầy vẻ huyền bí, ma mị, khiến nhiều người ao ước được một lần tận mắt chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp này.

Để đến được đỉnh U Bò, phải vượt hơn 100 cây số từ Thành phố đến bản Chống Tra, xã Háng Đồng (Bắc Yên), từ đây, chỉ có thể đi bộ ngược dốc lên núi. Qua cửa rừng, chỉ đi sâu vào trong chừng vài chục mét, tán cây rừng bắt đầu khép kín, con đường mòn nâng cao dần độ dốc, thậm chí có những đoạn gót chân người đi trước chạm mặt người đi sau. Càng lên cao, gió càng thổi lồng lộng, nhiệt độ dần hạ thấp; xung quanh chỉ còn nghe lũ chim rừng đua nhau “khoe giọng”.

Thảm thực vật ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển.

Ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, xuất hiện những khe suối chảy róc rách, hai bên suối nhiều loại cây cỏ rất đẹp mắt. Dưới mặt đất là một thảm thực vật xanh mướt, với những cỏ dại, dâu đất, bông mã đề và nhiều loài thực vật khác lung linh dưới ánh nắng, tạo nên một khung cảnh sơn thủy hữu tình thật lộng lẫy.

Con suối ven lối mòn với nhiều loại dị thảo.

Đám dâu đất với những trái chín đỏ mọc chi chít ven đường.

Càng lên cao, cánh rừng hai bên đường lên U Bò càng toát lên vẻ quyến rũ với những thảm rêu bám đầy lối đi, đất, đá và từ gốc đến ngọn cây đều phủ một lớp rêu dày đặc.

Rêu vàng ngự trị khắp nơi

Một gốc cây xù xì đầy rêu

Thảm thực vật ở đây được chia thành nhiều tầng với rất nhiều mảng màu. Tầng dưới được bao phủ bởi đám rêu xanh, vàng, xám, mảng màu ấy rộng hay hẹp còn tùy thuộc vào độ chiếu sáng của ánh mặt trời. Nơi nào lá cây rừng không khép tán, có ánh nắng nhiều hơn thì được trải một lớp cây dương xỉ xanh mướt. Tầng trên lại dành cho các loại cây “ăn bám” với đầy đủ màu sắc rất đẹp mắt.

Nhiều loại cây cỏ đẹp mắt mọc ở tầng thấp

Ở tầng cao, nhiều loại cây sống gửi đua nhau đón ánh nắng.

Các loại rêu cùng cây dại mọc trên thân gỗ rất đẹp mắt.

Nhiều cây cổ thụ to phải bằng vài ba người ôm có kiểu dáng nghiêng ngả, cùng với các loại dây leo to như bắp chân chằng chịt, xen lẫn vào đó là những cây chè cổ thụ bám đầy rêu mốc tạo nên khung cảnh kỳ quái khiến chúng ta như lạc vào trong những câu chuyện cổ tích...

Nhiều cây đại thụ có hình dáng lạ mắt

Cây cổ thụ có hình thù kỳ quái

Hai cây cổ thụ 5-6 người ôm khoảng 1.000 năm tuổi

Khi đến độ cao gần 2.700m, giữa đỉnh núi cao vút, hiểm trở và xanh thẳm, lại xuất hiện những nét chấm phá đặc sắc với những cây đỗ quyên xù xì ước cũng hàng trăm tuổi, đồng loạt bung nở, những bông rụng xuống rải khắp lối đi tạo thành tấm thảm vô cùng quyến rũ. Những hình ảnh cổ kính nơi đây sẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho những tay máy săn ảnh.

Hoa đỗ quyên nở đẹp nhất vào trung tuần tháng 3

Một gốc đỗ quyên cổ thụ.

Hoa đỗ quyên rải khắp lối đi.

 Nổi bật giữa đám đỗ quyên, xuất hiện lác đác vài ngọn sa mu già cỗi đầy rêu phong vươn lên cao đầy "kiêu hãnh".

Ngọn sa mu già cỗi vươn lên trời cao

Ngọn cây sa mu vươn lên trên tầng cây đỗ quyên.

Đứng trên đỉnh U Bò nhìn xuống, biển mây cuồn cuộn giăng tứ bề, cứ bồng bềnh, lãng đãng khiến cả một vùng tạo nên khung cảnh huyền ảo.

Góc nhìn từ trên đỉnh U Bò.

Sở dĩ núi U Bò gắn với cái tên Tam giác quỷ là bởi khu vực này có nhiều đỉnh núi cao “chọc trời”, mây phủ quanh năm, cách đây hơn 60 năm, đã từng có máy bay thời chiến tranh đâm vào núi. Hiện, vẫn còn vài mảnh kim loại từ xác máy bay, những phần còn lại của máy bay người dân đã lấy về chế tác thành nông cụ.

Một mảnh xác máy bay rơi còn sót lại

Rừng đặc dụng Tà Xùa là đoạn kéo dài về phía nam của dãy Hoàng Liên Sơn và là ranh giới của hai tỉnh Sơn La và Yên Bái, có diện tích gần 18.000 ha và có nhiều đỉnh cao trên 2.000 m dọc theo dãy núi với đỉnh cao nhất khoảng 2.800 m ở phía Tây Bắc. Bên cạnh vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, cải thiện môi trường sinh thái và điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng, rừng đặc dụng Tà Xùa còn có nhiều sinh cảnh độc đáo, có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen, là nơi có điều kiện tốt cho các loài động vật hoang dã sinh trưởng và phát triển..., mang lại giá trị bảo tồn đặc biệt cho cả khu vực Tây Bắc và Việt Nam nói chung. Cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ nơi đây còn là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ du lịch, nhằm nâng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.