Mênh mang lòng hồ sông Đà
Lượt xem: 759
Sông Đà, con sông huyền thoại không chỉ đi vào trong thơ ca mà hiện còn “cõng trên mình” ba nhà máy thủy điện lớn nhất nước với tổng điện năng cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện/năm. Sông Đà hôm nay đã thành biển hồ mênh mông gần 600 km2, trong đó hồ thủy điện Sơn La rộng 224 km2. Đây không chỉ là nguồn lợi phát triển thủy sản mà còn chống lũ và điều tiết nước cho đồng bằng sông Hồng và là tiềm năng du lịch của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.Cầu Pá Uôn (Quỳnh Nhai)

Cầu Pá Uôn (Quỳnh Nhai)

 

Tháng chạp, mùa nước hồ dâng cao, ngồi trên thuyền cao tốc băng băng rẽ sóng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, chúng tôi ngỡ mình đang du ngoạn trên vịnh Hạ Long. Từ đập thủy điện Sơn La ngược về phía thượng nguồn, hồ có chiều dài 175 km, dung tích 9,26 tỷ m3 nước. Mùa này, khi nhà máy thủy điện tích nước, mặt hồ có nơi rộng trên 5 km với hàng trăm hòn đảo to, nhỏ. Đẹp nhất có lẽ phải kể đến khu vực cầu Pá Uôn, cây cầu có chiều dài 1.418m bắc qua sông Đà, phần cầu chính dài 918m, đường dẫn 2 đầu cầu dài 500m, chiều rộng toàn cầu 9m, phần xe chạy 8m; 2 mố và 11 trụ, là một trong 10 cây cầu giữ kỷ lục Việt Nam với chiều cao từ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu 103,8m. Tại đây, hằng năm đều tổ chức ngày hội đua thuyền. Ngồi trên thuyền đi giữa lòng hồ trong xanh, ngắm nhìn những dãy núi đá vôi trập trùng dăng hàng in bóng xuống mặt hồ bình yên tựa bức tranh thủy mạc đầy quyến rũ. Để có vẻ đẹp ấy, cách đây hơn 10 năm, hàng nghìn hộ dân đã thực hiện một cuộc đại di dân chưa từng có vì dòng điện của Tổ quốc. Biển hồ trong xanh hứa hẹn sự phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và du lịch. Đã có hàng chục hợp tác xã thủy sản được hình thành với trên 1.200 lồng cá hằng năm thu về gần trăm tỷ đồng. Tuy chưa hình thành rõ nét, nhưng mỗi năm có trên 100.000 lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp lòng hồ sông Đà, doanh thu ngót 200 tỷ đồng. Tiên phong trong ngành “công nghiệp không khói” trên hồ sông Đà là Công ty CP Cơ khí Sơn La, với mức đầu tư ban đầu trên 100 tỷ đồng vào khu du lịch tại xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai. Khu du lịch này rộng tới chục ha và có 5 tàu vận tải khách. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Sơn La Nguyễn Tiến Thuận thì ngày đầu xuân năm 2017, sẽ cắt băng khánh thành khu du lịch hồ sông Đà tại điểm cầu Pá Uôn. Trước mắt, Công ty tổ chức các chuyến du lịch trên hồ, về lâu dài hình thành tour du lịch Sơn La - Quỳnh Nhai và các tuyến khác.

Trong tiến trình phát triển du lịch, Quỳnh Nhai sẽ trở thành trung tâm du lịch vùng lòng hồ sông Đà với nhiều sản phẩm du lịch gồm du lịch tâm linh, du lịch trên hồ, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái... hòa trong nền văn hóa đa sắc màu của nhân dân các dân tộc. Trao đổi với chúng tôi bà Điêu Thị Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về thực hiện Đề án khai thác tiềm năng vùng hồ các thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, Quỳnh Nhai đã và đang triển khai nhiều chương trình phát triển du lịch, kết hợp giữa du lịch trên lòng hồ sông Đà với du lịch văn hóa, tâm linh... hiện tại, trên địa bàn có tới 100 thuyền máy của bà con đón đưa khách du lịch trên hồ. Quỳnh Nhai đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đây đầu tư, khai thác nền văn hóa độc đáo và vùng hồ bao la, góp sức đưa Quỳnh Nhai thành huyện trung tâm du lịch trong tỉnh và vùng Tây Bắc...

Không chỉ Quỳnh Nhai, trên dòng Đà giang, gần 30 năm qua kể từ khi nhà máy thủy điện Hòa Bình khánh thành, một vùng sông nước rộng trên 7.900 ha (hồ thủy điện Hòa Bình) tiềm năng vẫn như còn bỏ ngỏ. Để khai thác các hồ thủy điện, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 4/8/2016 nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đưa kinh tế vùng hồ các thủy điện tiến nhanh, tiến mạnh, vững chắc và trở thành khu vực có trình độ phát triển khá, có hệ thống hạ tầng liên kết đồng bộ với các vùng kinh tế trong tỉnh... trọng tâm là khai thác tiềm năng phát triển thủy sản; lâm nghiệp; giao thông vận tải; du lịch và thương mại...

Hướng đi đã mở, tiềm năng du lịch dồi dào đang đợi chờ, thúc giục các nhà đâu tư, các doanh nghiệp hãy đến với Sơn La, đến với sông Đà để khai thác những nét văn hóa đặc sắc, cảnh đẹp núi non hùng vĩ, thưởng thức ẩm thực riêng biệt một vùng Tây Bắc. Trong từng bước đi, từng giai đoạn, Sơn La luôn rộng mở để bạn bè gần xa đến đây cùng đầu tư, khai thác, phát triển.

Theo Báo Sơn La