Ký sự vùng cao Bắc Yên: Kỳ 3: Gian nan đường về Làng Sáng
Lượt xem: 637
Làng Sáng là một trong 6 bản của xã Háng Đồng, nơi được coi là “gần trời” nhất. Bản có 93 hộ với 607 nhân khẩu, giáp với xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và xã Suối Tọ (Phù Yên). Đây là một trong những bản đặc biệt khó khăn, chưa có đường, chưa có điện... Song, người dân Làng Sáng đã từ bỏ được cây thuốc phiện, không còn di dịch cư tự do, không phá rừng làm nương và bây giờ trẻ em nam hay nữ, đều đã được các gia đình cho “xuống núi” học chữ...

http://baosonla.org.vn/Uploads/Images/9.-Đập-thủy-điện-Háng-Đồng-đang-được-xây-dựng-tại-bản-Háng-Đồng-A.jpg
Đập thủy điện Háng Đồng đang được xây dựng tại bản Háng Đồng A.

Vẫn là mốc thời gian hơn 6 giờ, sau khi chắc dạ bằng mấy bát cơm cùng món măng ớt, chúng tôi bắt đầu rời trung tâm xã Háng Đồng để ngược lên bản Làng Sáng khi màn sương vẫn còn dày đặc. Đây là lần thứ 3 tôi có cơ hội lên với Làng Sáng. Tuy nhiên, thay vì phải đi bộ 3 ngày đường như trước đây khi xã Háng Đồng chưa tách ra từ xã Tà Xùa, thì giờ chặng đường lên Làng Sáng đã được rút ngắn lại 2/3. Từ trung tâm xã đến cửa rừng thuộc bản Háng Đồng B chừng 5km đã có thể đi bằng xe máy, còn lại từ đó phải mất gần 1 ngày đường đi bộ.

Cửa rừng là ranh giới giữa rừng và đường ô tô được mở từ mấy năm trước để lên Làng Sáng. Nhưng do đường đi qua rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, nên dự án đã phải dừng tại đó... Rời cửa rừng được gần 1 tiếng, chúng tôi bắt đầu tiến vào thế giới riêng với những cánh rừng già cùng những thân cây cao ngút, chu vi từ 2 đến 4 người ôm. Hai bên đường, tiếng suối chảy róc rách, những cánh hoa rừng rải đầy đường; tiếng chim rừng gọi đàn ríu rít. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những chú chim đang kiếm ăn giật mình bay vút lên, hay những chú sóc thoăn thoắt trên cành... Bao mệt nhọc chợt tan biến, tôi như lạc vào thế giới hoang sơ, huyền bí, hoà mình trong những âm thanh sống động, hùng vĩ của rừng thiêng... Lúc này đồng hồ chỉ 9 giờ 45 phút, chúng tôi đã đặt chân lên đất của bản Háng Đồng C - một trong những nơi còn giữ lại được những cây pơ mu cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trước đó nhiều năm, những cánh rừng đẹp này đã từng phải phải gánh chịu sự tàn phá của con người, đặc biệt, gỗ pơ mu bị khai thác trái phép mạnh nhất, chủ yếu để cung cấp gỗ cho các xưởng gỗ ở 2 huyện Phù Yên và Bắc Yên. Ngày đó, đi trong rừng còn có thể nghe rõ tiếng cưa máy hoặc bắt gặp từng nhóm người vào rừng khai thác lâm sản trái phép hay đang vận chuyển gỗ theo đường mòn xuống huyện... Trong chuyến đi này, đã không còn những hình ảnh đó, rừng đã được quản lý, bảo vệ tốt khi có sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền và người dân. Góp phần vào đó, là việc người dân đã được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, như bản Háng Đồng C và Làng Sáng, năm vừa rồi, mỗi bản được chi trả trên 500 triệu đồng...

 

http://baosonla.org.vn/Uploads/Images/7.-Đường-lên-bản-Làng-Sáng-chỉ-có-thể-đi-bộ.jpg

 Đường lên bản Làng Sáng chỉ có thể đi bộ.
 

10 giờ 30 phút, có mặt ở bản Háng Đồng C, mặc dù trời rất lạnh nhưng chúng tôi ai cũng đẫm mồ hôi. Sau một lúc dừng chân bên vệ đường, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình lên bản Làng Sáng. So với đoạn đường từ cửa rừng cho tới Háng Đồng C thì đường từ Háng Đồng C lên Làng Sáng còn khó khăn và mệt nhọc gấp nhiều lần. Vẫn là những con dốc dựng đứng, trơn trượt nhưng phủ đầy lau lách, những đoạn dốc cao ngất, sơ sẩy lăn xuống thì thật nguy hiểm. Nhiều đoạn dài phải men theo những con suối hay những những chiếc cầu tự nhiên từ cây rừng bị đổ do mưa bão... Và những con suối hung dữ một thời, giờ đây đã hòa mình vào dòng Suối Sập thêm nguồn nước cho thủy điện Háng Đồng, tạo nên điểm nhấn của vùng cao này.

19 giờ, chúng tôi mới đặt chân đến bản Làng Sáng. Đường nội bản vẫn vậy, nhỏ, khó đi khi mưa xuống và lúc nào cũng lép nhép, ẩm ướt bởi sương giá bao phủ quanh năm. Tối đó, chúng tôi ngủ ở nhà Trưởng bản Hạng A Nủ và một lần nữa được thưởng thức vị gạo tẻ dâu và măng ớt vừa cay vừa mặn... Cái tên Làng Sáng, dịch ra tiếng phổ thông là khó nghĩ, khó hiểu. Khó nghĩ là vì: Ở nơi chót vót, xa xôi và khó khăn như thế này sao lại có người ở. Còn khó hiểu là do trước đây mỗi lần người dân trong bản vào rừng săn, hái cây rừng thường bị lạc đường và phải ngủ lại rừng. Không còn cách giải thích, bà con đành “đổ” tại con “ma rừng” đã dẫn đường, chỉ lối sai? Do vậy, khi cán bộ lên nằm vùng hỏi bà con đặt tên bản là gì thì chỉ có câu trả lời “Lang Sáng”. Trước đây, Làng Sáng là bản của người Dao đỏ. Do trong bản có dịch bệnh, nên người Dao đã chuyển đi nơi khác. Thời kỳ chống Pháp, để tránh khỏi sự càn quét của lính Pháp và tay sai, đồng bào Mông các nơi đã chuyển đến vùng xa xôi này cư trú. Cũng giống như các bản vùng cao trong vùng, thời kỳ chống Pháp, bản đã ủng hộ rất nhiều lương thực, thực phẩm cho cách mạng; người dân còn làm nhiệm vụ đưa thư tin cẩn của quân ta tới các vùng Tà Xùa, Xím Vàng, Làng Chếu và Hang Chú, nhằm tuyên truyền, vận động đồng bào các bản vùng cao đấu tranh chống lại giặc Pháp và bọn tay sai.

http://baosonla.org.vn/Uploads/Images/qhkjhpfk.jpg

Những ngôi nhà được làm 100% bằng gỗ Pơ mu, nét đặc trưng của vùng cao Bắc Yên.

Hiện tại, Làng Sáng có 3 dòng họ: Họ Hạng (có nguồn gốc bên Yên Bái), họ Mùa và Sồng (có nguồn gốc từ các xã vùng cao Bắc Yên và Phù Yên). Làng Sáng cũng được coi là “cột mốc giới” của 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái với những cánh rừng pơ mu quý hiếm. Cũng do ở quá xa, giao thông cách trở nên sinh hoạt hằng ngày, thông thương hàng hóa cũng như công tác chăm sóc sức khỏe của bà con gặp nhiều khó khăn. Chỉ trừ những lúc ốm đau thật nặng hay có việc cần thì bà con mới xuống xã, huyện bằng hai con đường chính: Một là đi theo đường xuống xã Suối Tọ (Phù Yên); hai là men theo đường mòn mà chúng tôi đã đi. Nếu ngoài xã, huyện có cuộc họp cần mời cán bộ bản thì phải gửi công văn mời họp vào trước mấy ngày. Mặc dù, từ năm 2004 đến năm 2006, nhân dân trong xã đã cùng nhau mở đường xe máy tới tận Làng Sáng, thế nhưng con đường ghồ ghề, nguy hiểm, có đoạn chỉ rộng chưa đầy 1m, một bên là vực đến giờ vẫn chỉ có thể đi bộ...

Khó khăn, xa xôi, hẻo lánh là như vậy, nhưng với sự quan tâm của tỉnh, huyện, cùng sự nỗ lực của nhân dân trong bản, những năm gần đây, Làng Sáng đã có những đổi thay nhanh chóng trên nhiều mặt. Bản đã có chi bộ với 9 đảng viên. Các hộ đều trồng rất nhiều lúa, trong đó, đã khai hoang 30 ha ruộng nước, không còn hộ đói giáp hạt. Hộ thu nhiều thóc nhất bản được 6 đến 7 bồ thóc/năm, còn hộ ít nhất cũng được 5 bồ (mỗi chiếc bồ đựng được gần 8 tạ thóc). Ngoài ra, các hộ còn khai hoang thêm đất để trồng ngô, sắn, dong giềng phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước, nơi đây từng được coi là “thủ phủ” của cây anh túc, thì nay không còn hộ nào tái trồng cây thuốc phiện; không khai thác gỗ Pơ mu đem bán; không có người nghe theo lời kẻ xấu; không di dịch cư tự do. Các phong tục tập quán cũ cũng không còn, thay vào đó là nếp sống văn hoá mới, như: Không để người chết trong nhà quá 2 ngày; không thách cưới bằng bạc trắng; không cúng thầy mo khi có người ốm. Bản đã có lớp học mầm non đến lớp tiểu học; 100% trẻ em trong độ tuổi và trẻ em nữ được đi học...

Rời Làng Sáng trong màn sương sớm, trở lại con đường vắt vẻo, chon von như sợi chỉ đỏ thoắt ẩn, thoắt hiện trong làn sương trắng bạc... Hẹn dịp gần nhất được trở lại nơi này, nhưng thầm mong, sẽ không còn phải đi bộ để lên bản; sẽ được nhìn thấy ánh điện sáng thay sao và bà con có thêm nhiều công trình đầu tư phục vụ sinh hoạt hằng ngày; tiếp tục được ngồi nghe cán bộ bản và người dân tự hào: “người Làng Sáng không còn khổ, không còn lạc hậu bởi các hủ tục và cây anh túc nữa...”

Theo Báo Sơn La