Thuận Châu duy trì hoạt động các đội văn nghệ quần chúng
Lượt xem: 323
Những năm qua, các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Thuận Châu tiếp tục phát triển, góp phần khai thác, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở địa phương.

Một buổi luyện tập của đội văn nghệ quần chúng xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu.

Năm 1997, đội văn nghệ quần chúng bản Pán, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu thành lập với 15 thành viên, độ tuổi từ 20 đến 50. Các thành viên đều là hạt nhân văn nghệ của các bản, nhiệt tình, chịu khó học hỏi, luyện tập các điệu múa mang phong cách đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, như: Múa khăn piêu, múa ếp, múa còn, múa chuông...

Bà Cầm Thị Diêu, Đội trưởng đội văn nghệ, tâm sự: Các thành viên trong đội đã tích cực sưu tầm, tự biên đạo, dàn dựng phục vụ bà con trong bản, trong xã và tham gia các cuộc thi văn nghệ quần chúng do huyện, tỉnh tổ chức. Tiêu biểu có bài múa: “Em gái Chiềng Ly”, “Hương rượu xuân”, “Hạn khuống đêm trăng”, “Hương sắc bản em”, “Tình xuân”... đã đạt giải A tại các hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện, tỉnh.

Hiện nay, huyện Thuận Châu có 391 đội văn nghệ quần chúng tại các thôn, bản, tiểu khu, mỗi đội có từ 10 đến 15 thành viên, là cán bộ nghỉ hưu, đoàn viên, thanh niên, người lao động... Nhiều đội hoạt động thường xuyên, hiệu quả, như đội văn nghệ quần chúng bản Pán, xã Chiềng Ly; Chiên Luông Mai, xã Chiềng Pha; Nặm Giắt, xã Phổng Lái; Nà Lạn, bản Hình, xã Tông Cọ và Chiềng Cang, xã Chiềng La... Nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng chú trọng xây dựng đội văn nghệ quần chúng, tiêu biểu là ngành giáo dục - đào tạo, công an, quân đội, y tế...

Ông Nguyễn Thành Long, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Châu, cho biết: Ngoài phục vụ nhân dân hoặc ngày hội đại đoàn kết các dân tộc, các đội văn nghệ quần chúng còn tham dự liên hoan, hội diễn do tỉnh tổ chức. Những tiết mục tự dàn dựng với nội dung phong phú, lồng ghép tuyên truyền việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ; xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới tại địa phương.

Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ theo chính sách của tỉnh, các đội văn nghệ đã kêu gọi xã hội hóa, huy động nhân dân đóng góp, hỗ trợ một phần kinh phí thuê đạo cụ, trang phục để duy trì hoạt động, tham gia biểu diễn, giao lưu, liên hoan, hội thi, hội diễn. Huyện còn tổ chức phục dựng lại lễ hội truyền thống Xên lẩu nó của dân tộc Thái xã Thôm Mòn, Chiềng Ly; lễ hội Pang A của dân tộc La Ha xã Liệp Tè, góp phần tạo không gian trình diễn nghệ thuật truyền thống cho các đội văn nghệ quần chúng, bởi ngoài phần lễ thực hành những nghi thức đặc trưng, phần hội thường diễn ra các loại hình dân ca, dân vũ.

Bên cạnh đó, huyện còn khuyến khích, động viên các nghệ nhân tham gia sáng tạo, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Đến nay, huyện có 2 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Các nghệ nhân có khả năng khai thác, sưu tầm các điệu múa, hát, nhạc cụ mang bản sắc dân tộc và tập hợp, sáng tác kịch bản, đồng thời, giữ vai trò “cố vấn” hướng dẫn các diễn viên không chuyên hoàn thiện các kỹ năng biểu diễn, góp phần duy trì, phát triển các đội văn nghệ ở địa phương.

Nhằm khuyến khích phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, huyện Thuận Châu tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ các đội văn nghệ quần chúng hoạt động, góp phần giới thiệu, quảng bá những bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đến du khách khi về Thuận Châu.

Tác giả: Theo Báo Sơn La