Nghệ sỹ ưu tú Lò Thị Thu - Với tôi, múa dân tộc là hơi thở của cuộc sống
Lượt xem: 545
Một vùng quê êm đềm có núi non hùng vĩ, cánh đồng trải dài xanh mướt, con suối  “Nậm Muổi” uốn lượn quanh co nơi huyền tích của người con gái Thái xinh đẹp ngày xưa. Miền quê ấy sinh ra một người con ưu tú múa đầy tài năng ở độ tuổi còn rất trẻ, đó là NSƯT Lò Thị Thu.

Năm 2004, cô gái dân tộc Thái ở một xã vùng 3 khó khăn, xa sôi của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La lần đầu bước chân xuống Hà Nội theo học múa tại trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội - Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, yêu vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Bắc nơi mình sinh ra, NSƯT Lò Thị Thu về công tác tại Nhà hát ca, múa, nhạc, tỉnh Sơn La. Có lẽ chị sinh ra là để múa, 17 tuổi bước chân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp bằng sức trẻ, tuổi thanh xuân và tình yêu say đắm với nghề múa. Được sống và làm việc tại quê nhà là niềm vinh dự của chị, bởi được cống hiến, trưởng thành, phát triển nghề nghiệp tại quê hương mới thấy mình là người con thực sự của bản làng. Những chuyến công tác xa nhà dài ngày rong ruổi lên với bà con đồng bào vùng núi cao xa xôi rét mướt, đường chơn phải đi bộ khi xe không tới được, những buổi lênh đênh trên thuyền dọc con Sông Đà đi lưu diễn vùng lòng hồ Thủy điện, các nghệ sĩ diễn viên phải khuôn vác loa máy, trang âm, ánh sáng, sân khấu chỉ là một sân bãi nhỏ khi mùa nước lũ đã qua… đó là những kỷ niệm của cuộc đời diễn viên, sự cống hiến hy sinh cho nghề nghiệp của người nghệ sĩ nơi miền núi xa xôi.

NSƯT Lò Thị Thu chia sẻ: Được múa là niềm đam mê yêu thích rồi, nhưng được múa cho bà con quê hương mình xem những điệu múa dân gian của các dân tộc vùng núi Tây Bắc mới hạnh phúc được là chính mình. Múa là hơi thở của cuộc sống, là nhịp đập của con tin. Được lên sân khấu múa mới cảm nhận được giá trị nghề nghiệp của một diễn viên múa thật lung linh và thanh cao. Nếu chỉ thích thôi thì chưa đủ mà phải say chọn với nghề để gắn bó lâu dài với con đường mà mình đã chọn thì mới thành công được.

Đối với nghề múa, đòi hỏi diễn viên phải thông minh, bắt nhịp nhanh và có tính tập thể cao, không có nhiều điều kiện thuận lợi như những nghề khác trong ngành nghệ thuật, mặc dù được đào tạo bài bản vất vả, gian nan nhưng đúc rút có được nhiều kinh nghiệm trong nghề lại phải có tấm lòng và sự yêu thích. Có lẽ NSƯT Lò Thị Thu là một trong số rất ít nghệ sĩ múa của Nhà hát ca, múa, nhạc tỉnh Sơn La hiện nay có lòng đam mê yêu nghề múa đến vậy, chị không bao giờ bỏ một chương trình biểu diễn nào của Nhà hát, tác phẩm múa nào cũng có mặt. Hơn 15 năm công tác tại Nhà hát, chị đã từng biểu diễn hàng trăm tác phẩm múa, những điệu múa của các dân tộc Tây Bắc như: Múa Thái, Kinh, Mông, Tày, Khơ Mú, Lào, Dao, Mường, Si La.... Mỗi điệu múa dân tộc của biên đạo sáng tác ra là một chất liệu, sắc thái, biểu cảm khác nhau. Để thể hiện ra được chất liệu múa của dân tộc nào đó, NSƯT Lò Thị Thu phải tìm hiểu khá sâu sắc về Văn hóa và tộc người bản địa vùng cao thì khi múa mới chiếm trọn được trái tim của khán giả yêu nghệ thuật.   

Gương mặt xinh xắn, bản lĩnh sân khấu, sắc thái biểu cảm trong từng động tác, hơi thở múa và một thân hình khá lý tưởng của một nghệ sĩ múa không phải ai cũng may mắn có được. Đối với NSƯT Lò Thị Thu, để đạt được những thành công như ngày hôm nay là sự học hỏi, tôi luyện tạo nên vốn kiến thức sâu rộng, gốc rễ văn hóa được tích lũy và trau dồi trong quá trình hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của mình qua thực tiễn nhiều năm để khi áp dụng vào tác phẩm múa mới toát lên được ý tưởng của biên đạo, người xem mới cảm nhận được nghệ sĩ múa nói lên điều gì. Người nghệ sĩ múa phải tư duy nhạy bén, sâu sắc thì nhân vật mình đảm nhận mới có xúc cảm và đi vào lòng công chúng được nên hầu hết các biên đạo đều tin tưởng và giao cho chị đảm nhận những vai solo, duo trong một tác phẩm múa. NSƯT Lò Thị Thu chia sẻ: “Sau ánh hào quang sân khấu là sự động viên, chia sẻ, ủng hộ của chồng. Đây là hậu phương vững chắc, là nền tảng gây dựng nên một gia đình hạnh phúc để được yêu và đam mê với nghề đến cháy bỏng như ngày hôm nay”. 

Là một nghệ sĩ múa trẻ tuổi nhất vùng Tây Bắc nước ta được Đảng, Nhà nước công nhận danh hiệu NSƯT lần thứ  IX, năm 2019 khi mới 33 tuổi đời. Danh hiệu là phần thưởng cao quý, ghi nhận những nỗ lực, cống hiến và tài năng, góp phần xây dựng nghệ thuật dân tộc nước nhà. Nguồn động viên lớn nhất của cuộc đời nghệ sĩ múa nơi miền núi cao xa sôi đã được ghi nhận. NSƯT Lò Thị Thu vẫn luôn từng ngày, từng giờ cống hiến, nỗ lực phấn đấu để góp sức cho Nhà hát ngày một vững mạnh./.

 

Tác giả: Lò Hải Lam - Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Sơn La