Cộng hưởng nghệ thuật nghệ sỹ và nghệ nhân
Lượt xem: 447
Đưa nghệ nhân lên sân khấu chuyên nghiệp biểu diễn cùng nghệ sỹ, cộng hưởng trong một chương trình, một tiết mục, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La đã tạo ra chương trình nghệ thuật độc, lạ, hấp dẫn, vừa có tính hàn lâm, đương đại nhưng cũng đậm chất dân gian được cả giới nghệ thuật chuyên nghiệp và công chúng đánh giá cao.

Chương trình nghệ thuật “Dòng sông đời người” có sự kết hợp nghệ sỹ và nghệ nhân.

Sơn La có 12 dân tộc chủ yếu sinh sống, mỗi dân tộc có nét độc đáo văn hóa, văn nghệ riêng và có những nghệ nhân tiêu biểu, như: Nổi tiếng về hát Thái là nghệ nhân Hoàng Mai, Lò Thị Ban (Thành phố), Cầm Vui (Mường La); hát làn điệu Khơ Mú có nghệ nhân Mòng Thị Ơi, xã Mường Và (Sốp Cộp); dân ca Mông có nghệ nhân Mùa Thị Gánh (Bắc Yên)...

Theo Nghệ sỹ ưu tú Phạm Hồng Thu, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh: Nghệ nhân có những khả năng đặc biệt mà các nghệ sỹ chuyên nghiệp dù giỏi cũng không biểu diễn được. Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tiên phong kết hợp nghệ nhân và nghệ sỹ biểu diễn, chính thức trình làng nghệ thuật tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2018, với chương trình nghệ thuật “Dòng sông đời người”. Chúng tôi mời một số nghệ nhân tiêu biểu ở Tây Bắc, Sơn La có Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui và Lò Thị Ban tham gia, kết quả ngoài sức mong đợi với 4 Huy chương Vàng cho chương trình và các tiết mục, 3 Huy chương Bạc cho các tiết mục và 7 giải cá nhân xuất sắc.

Chương trình “Dòng sông đời người” gồm 13 tiết mục ca, múa, nhạc dàn dựng làm 2 chương: Chương I “Về bến sông xưa” và Chương 2: “Dòng sông đời người”, tổng thời lượng 80 phút. Chương trình xuất phát ý tưởng từ đồng bào các dân tộc đã bao đời gắn bó với sông Đà, đó chính là nguồn sống cả về vật chất và tinh thần, là biểu tượng của sức mạnh, niềm tin, tình yêu, cuộc sống và có cả những xung đột với con sông Đà “hung bạo mà trữ tình”, đã tạo nên một vùng văn hóa sông nước Sơn La - Tây Bắc đặc sắc. Do vậy, Nhà hát Ca múa nhạc sử dụng dân ca, dân vũ, dân nhạc, ngôn ngữ, trang phục... mang bản sắc các dân tộc vùng ven sông Đà, như: Đồng bào Thái, Dao, Khơ Mú, Mông, Mường, La Ha... Dàn nhạc dân tộc gồm các loại nhạc cụ bằng tre, nứa, gỗ thô sơ đậm bản sắc dân gian và một số nhạc cụ cổ điển để tăng hiệu ứng âm thanh. Đặc biệt là sử dụng nghệ nhân, chính là những người gắn bó với sông Đà để thể hiện chân thực nhất cảm xúc, văn hóa sông nước nơi đây.

Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui, thị trấn Ít Ong (Mường La) nổi tiếng hát Thái của tỉnh, chia sẻ: Tôi được Nhà hát Ca múa nhạc mời tham gia chương trình văn nghệ tổ chức tại một số huyện. Đặc biệt là tham gia chương trình nghệ thuật “Dòng sông đời người” tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2018. Tôi tập luyện cả tháng cùng các nghệ sỹ, hằng ngày, sáng đi xe máy từ Mường La ra Thành phố hơn 40 km, tối mịt mới quay về nhà. Được cùng các nghệ sỹ của tỉnh thi trên sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc là niềm vinh dự lớn với những nghệ nhân chúng tôi, thật mừng là đã góp công cùng Nhà hát của tỉnh giành giải cao.

Sau thành công vang dội lần đầu, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh còn kết hợp nghệ sỹ và nghệ nhân trong chương trình “Bản hòa ca sông núi” tham gia Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 tại Vĩnh Phúc, giành giải Ba bảng độc tấu và giải Nhì bảng hòa tấu. Với sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo này, nghệ sỹ Đinh Văn Đức được Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam mời về chỉ huy, dàn dựng chương trình nghệ thuật “Âm vang núi rừng” chào mừng Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số toàn quốc (năm 2020) cũng với kết hợp nghệ sỹ và nghệ nhân khắp cả nước cùng biểu diễn, Sơn La có nghệ nhân Lò Thị Ban hát Thái tham gia.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng huy động được nghệ nhân tham gia, do thiếu kinh phí để trả công. Mỗi buổi tập của nghệ sỹ chuyên nghiệp chỉ 60-80 nghìn đồng/ngày, còn diễn viên quần chúng thì rất thấp. Những chương trình nghệ thuật lớn đòi hỏi tập luyện cả tháng, khó có thể huy động nghệ nhân tập luyện dài ngày. Các nghệ sỹ Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh thậm chí bớt phần của mình để chia sẻ với nghệ nhân. Do vậy, các chương trình có sự kết hợp nghệ sỹ và nghệ nhân khó có thể tái biểu diễn phục vụ nhiều nơi, nhiều sự kiện.

Nghệ sỹ ưu tú Phạm Hồng Thu trăn trở: Nghệ nhân ngày càng mai một. Nhà hát có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống độc đáo của các dân tộc bằng cách mời các nghệ nhân đến thực hiện “3 truyền”: Truyền vai (múa cổ) - truyền khẩu (làn điệu dân ca các dân tộc) -truyền tay (các nhạc cụ dân tộc) cho các nghệ sỹ. Tuy nhiên, không những khó về kinh phí, mà còn thiếu nghệ sỹ, diễn viên tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của các nghệ nhân truyền lại. Hiện chúng tôi chỉ còn một nửa nghệ sỹ, diễn viên so với năm 2010, do tinh giản biên chế.

Sự kết hợp nghệ sỹ và nghệ nhân không những tạo ra tính nghệ thuật rất cao, độc đáo, hấp dẫn mà còn cho thấy sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật dân gian trong dòng chảy nghệ thuật đương đại. Với đam mê, hi sinh vì nghệ thuật, các nghệ sỹ, nghệ nhân đã và đang cống hiến cho đời điệu múa, tiếng nhạc, lời ca, truyền dạy tinh hoa cho thế hệ tiếp nối, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.