Đâm đuống - Nghệ thuật dân gian đặc sắc
Lượt xem: 1043
Nếu người Mông có múa khèn, người Thái có múa xòe, thì người Mường ở Phù Yên có diễn tấu đâm đuống. Đâm đuống là loại hình âm nhạc tự nhiên thể hiện nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, thường được biểu diễn trong các dịp tết, hội mùa, dựng nhà, hiếu, hỷ.

Trình diễn đâm đuống của đồng bào dân tộc Mường trong Ngày hội nông sản huyện Phù Yên.

Đâm đuống hay được gọi là “chàm đuống”, “đánh đuống”, được hình thành và phổ biến từ hàng trăm năm qua trong quá trình canh tác nông nghiệp của đồng bào dân tộc Mường nói chung và người Mường Phù Yên nói riêng. Từ lâu, nghệ thuật đâm đuống được đồng bào Mường diễn tấu để tỏ lòng biết ơn thần linh đã ban cho bản Mường mùa màng bội thu và cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người được bình an, may mắn. Nghệ thuật này còn khẳng định chiều dài lịch sử phát triển văn hóa, kinh tế, việc sinh hoạt cộng đồng của người Mường.

Tìm hiểu được biết, “đuống” là chiếc máng gỗ to, dài từ 3 mét trở lên, đường kính từ 40-50 cm, được làm từ thân cây gỗ sâng, cây sấu hoặc cây vàng tâm khoét rỗng lõi. Gậy đuống (còn gọi là chàm) được làm từ cây sến, cây táu có độ cứng cao, dài từ 1,5-2,5 mét, thẳng, giữa thân hơi thắt lại để vừa tay người cầm. Đối với người Mường, phụ nữ thường làm việc nhà và trồng trọt, bởi vậy đâm đuống là hình thức biến tấu của công việc giã gạo ngày xưa, nên đội đâm đuống thường có từ 4-8 thành viên đều là nữ, nam giới hiếm khi tham gia. Ngày nay, tại nhiều lễ hội, nam giới hay du khách thập phương cũng tham gia trải nghiệm đâm đuống, góp phần lưu giữ và giới thiệu nét văn hóa Mường đến với nhiều người.

Hơn 40 năm tham gia đội đâm đuống và truyền dạy đâm đuống, bà Đinh Thị Miên, bản Thải, đội trưởng đội văn nghệ người cao tuổi xã Mường Thải, cho biết: Hiện bản Thải và bản Chiếu trong xã đều có đội đâm đuống. Hằng năm, các thành viên đội đâm đuống được tham gia các lớp tập huấn về diễn tấu đâm đuống do huyện, xã tổ chức. Những ngày lễ, tết, đội đâm đuống tham gia biểu diễn, thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn đến tham gia và cổ vũ. Đặc biệt, đội đâm đuống của xã đã đoạt giải nhì tại cuộc thi trình diễn văn hóa, nghệ thuật dân tộc Mường trong Chương trình “Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Sơn La” năm 2018 tổ chức tại huyện Mộc Châu.

Nghệ thuật đâm đuống có thể chia thành 4 hình thức: Đuống hội, đuống trăng, đuống cơm mới và đuống hiếu. Mở đầu buổi diễn, những người chuẩn bị diễn tấu đứng quanh đuống thành hai hàng theo chiều dài của thành đuống, mặt quay vào nhau, hai tay cầm vào giữa gậy, người phụ nữ nhiều tuổi nhất đứng ở đầu đuống, gọi là gậy "cái"; người làm “cái” là người đánh âm đầu tiên và quyết định nhịp, phách và duy trì tiết tấu toàn bài đuống, các thành viên trong đội gọi là "gậy con", "gậy cháu" hưởng ứng theo. Khi diễn tấu đâm đuống sẽ có ba động tác cơ bản là: Giã, đập và đánh (giã là đâm thẳng đầu gậy vào thành đuống; đập cạnh đầu gậy vào thành đuống; đánh hai cạnh đầu gậy vào nhau). Theo nhịp tay đâm đuống nhanh hay chậm mà tiếng gậy chuyển điệu sang những âm thanh khác nhau, như: 1 cắc 1, 2 cắc 1, 3 cắc 3… tiếng đâm đuống kết hợp tiếng trống, chiêng, tiếng chạm ống nứa tạo thành bản hòa tấu sôi động cùng với những động tác múa đẹp mắt, là sợi dây gắn kết đồng bào các dân tộc cùng về tụ hội trong những sự kiện văn hóa cộng đồng.

Nói về việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển hình thức diễn tấu đâm đuống của người Mường nơi đây, bà Bạc Thị Vân, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phù Yên, cho biết: Toàn huyện hiện có trên 40 đội đâm đuống, tập trung ở các xã vùng Mường và các xã dọc sông Đà. Hằng năm, có khoảng 200 hạt nhân trình diễn đâm đuống của các xã, thị trấn trong huyện được tập huấn. Trong các dịp tết Nguyên đán, ngày hội nông sản, hội diễn văn nghệ, huyện đều khuyến khích các xã tham gia biểu diễn đâm đuống.

Đầu năm mới, cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật sinh sôi nảy nở, cũng là lúc tiếng đuống lại hòa quyện với tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng núi rừng, tiếng đuống là sự lạc quan và thiết tha yêu đời của mỗi người dân bản mường vùng đất Phù Hoa.