Triển lãm Quốc hiệu, kinh đô nước Việt trong mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới và di sản tư liệu của người Thái, người Dao Sơn La
Lượt xem: 393
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm cách mạng tháng Tám, quốc khánh 2/9 và 126 năm thành lập tỉnh Sơn La.  Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La tổ chức triển lãm “Quốc hiệu, kinh đô nước Việt trong mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới và di sản tư liệu của người Thái, người Dao Sơn La”. Triển lãm nhằm giới thiệu đến công chúng những lần đặt, đổi Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong lịch sử, những di sản tư liệu chữ viết của người Thái, người Dao Sơn La thể hiện khát vọng về nền độc lập bền vững, sự phát triển thịnh vượng và sự đa dạng trong di sản văn hóa của dân tộc.

Nội dung triển lãm gồm 2 phần:

Phần 1: Quốc hiệu và kinh đô nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

Mộc bản triều Nguyễn là những tài liệu vô cùng quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Trong thời kỳ phong kiến, khắc ngược chữ Hán, chữ Nôm trên gỗ để in sách, được dùng rất phổ biến. Năm 2009, mộc bản Triều Nguyễn đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Quốc hiệu mỗi quốc gia là tên chính thức dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại biểu thị tính chính thống, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một vương triều hay chính phủ. Cùng với quốc hiệu, kinh đô (thủ đô) cũng luôn được các thể chế nhà nước coi trọng. Từ thời xa xưa, các bậc đế vương nước Việt đã có nhiều lần đặt, thay đổi quốc hiệu hoặc kinh đô cho phù hợp với tình hình đất nước. Đặc biệt, việc đặt quốc hiệu xưng đế của các triều vua nước Việt thể hiện lòng tự tôn dân tộc với những quốc hiệu như Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam. Kế thừa truyền thống dân tộc, sau khi thực hiện thành công cuộc cách mạng tháng Tám và đấu tranh thống nhất đất nước, nhà nước ta đã lấy Quốc hiệu là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đặt Thủ đô tại Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Phần này giới thiệu 17 mộc bản triều Nguyễn (hiện vật phục chế, bản gốc hiện đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 4) và những tài liệu mộc bản thể hiện những lần thay đổi Quốc hiệu và Kinh đô trong lịch sử.

Phần 2: Di sản tư liệu chữ viết của người Thái, người Dao ở Sơn La

Người Thái tỉnh Sơn La có một nền văn hóa đặc sắc, đặc biệt họ còn có chữ viết nên lưu giữ được nhiều di sản văn hóa của cha ông. Hệ thống chữ viết cổ của người Thái từ xưa đã được ghi lại trên giấy dó, giấy dướng với nội dung rất phong phú. Chữ viết cổ của người Thái có tự dạng Sanscrit, sáng tạo lớn nhất trong bộ chữ của người Thái là tìm ra cách ghi, phân biệt rõ ràng và có quy tắc các thanh trong ngôn ngữ của mình. Hệ thống sách chữ Thái cổ ghi chép về nhiều lĩnh vực như: lịch sử, lễ nghi, phong tục, luật lệ, đạo lý, địa lý, tín ngưỡng, nhân sinh quan, thế giới và vũ trụ, văn học,… là nguồn sử liệu quý nghiên cứu về đời sống, văn hóa, xã hội của người Thái.

Chữ viết của người Dao ở Sơn La cũng là một nguồn tư liệu quý có giá trị đặc biệt. Người Dao ở Sơn La có nghề làm giấy dó, giấy dướng truyền thống. Giấy làm ra vừa được dùng để viết chữ Nôm Dao, vẽ tranh thờ, vừa được dùng vào các nghi lễ. Mỗi ngành người Dao có cách làm giấy và sử dụng nguyên liệu khác nhau. Chữ Nôm của người Dao là một di sản văn hóa quý báu, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Dao. Phần giới thiệu gần 30 tài liệu, hiện vật là di sản tư liệu chữ viết của người Thái, người Dao Sơn La hiện đang lưu trữ , bảo quản và phát huy tại Bảo tàng Sơn La.

Qua triển lãm, công chúng sẽ hiểu hơn về lịch sử xây dựng dân tộc Việt Nam nói chung và sự đa dạng văn hóa vùng miền của Sơn La nói riêng tạo thành tổng thể văn hóa đặc sắc của trưng bày. Trong thời gian diễn ra triển lãm, Bảo tàng Sơn La sẽ có các hoạt động giáo dục, trải nghiệm phục vụ khách tham quan tại gian trưng bày.

- Thời gian trưng bày: từ ngày 19/8/2022 đến 30/12/2022 tất cả các ngày trong tuần (Sáng: từ 7h30-11h30; Chiều: từ 13h30 -17h30)

- Địa điểm trưng bày: Bảo tàng Sơn La

- Liên hệ: Phòng Giáo dục - Truyền thông. ĐT: CQ 02123850221. Phó trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông: Nguyễn Thị Ngọc Tú. ĐT: 0779694444

- Email: nguyenngoctusl@gmail.com

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Tú - Bảo Tàng tỉnh