Nghệ thuật Xòe Thái chính thức là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Lượt xem: 492
Ngày 15/12, tại Kỳ họp lần thứ 16, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Paris (Pháp), Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Kỳ họp lần thứ 16 Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO
về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cùng với đại diện lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái tham dự Kỳ họp tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tỉnh Sơn La có đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành tham dự.

Các đại biểu theo dõi Kỳ họp tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nghệ thuật Xòe Thái là sinh hoạt văn hóa đặc sắc biểu trưng cho đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở nước ta. Xác định giá trị văn hóa và tính nhân văn sâu sắc của Nghệ thuật Xòe Thái, năm 2016, Bộ VHTT&DL đã ban hành văn bản giao tỉnh Yên Bái chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên xây dựng hồ sơ quốc gia Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Niềm vui của các đại biểu khi Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO
ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật Xòe Thái thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO; giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc UNESCO ghi danh Xòe Thái của Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Tác giả: Theo Báo Sơn La