Nghệ thuật Xòe Thái được xem xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại
Lượt xem: 484
Theo thông tin báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao &Du lịch về Khai mạc kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO, trong các ngày từ 13/12 đến 18/12/2021 tại thủ đô Paris - Pháp, Ủy ban Liên chính phủ của UNESCO tổ chức kỳ họp lần thứ 16 về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, tại kỳ họp này, hồ sơ di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” sẽ được Ủy ban Liên chính phủ của UNESCO xem xét ghi danh là di sản văn hóa của nhân loại. Tại điểm cầu của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cùng đại diện lãnh đạo 4 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái tham dự kỳ họp.

Ủy ban Liên chính phủ của UNESCO sẽ xem xét Hồ sơ "Nghệ thuật Xòe Thái" của Việt Nam ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào thời gian khoảng từ 16h15 đến 19h15 ngày 15/12/2021.

 

Vòng Xoè đoàn kết.  Ảnh: Minh Hải

Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc Việt Nam (đặc biệt là các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La) trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng như các lễ hội, liên hoan văn nghệ, kết bạn, giao lưu, diễn đạt các ý tưởng về cội nguồn tâm linh… Nghệ thuật Xòe Thái chia thành hệ thống: Xòe trong các lễ hội dân gian truyền thống (xòe lễ thức); Xòe điệu gắn với các đạo cụ: Xòe nón, xòe khăn, xòe quả nhạc…và xòe vòng. Nghệ thuật Xòe đã trở thành phong tục của người Thái và cuốn hút mọi người rộn ràng trong tiếng trống, tiếng chiêng mỗi dịp tết đến, xuân về hay trong các cuộc vui. “Nghệ thuật xòe Thái” là sợi dây gắn kết cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết. Sức hấp dẫn của xòe chính là sự sôi nổi, gần gũi mà đậm tình cuộc sống. Đó là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Đây được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc Sơn La, Tây Bắc nói chung, “Nghệ thuật Xòe Thái” là tài sản vô giá cần được gìn giữ và bảo vệ.

  

Xoè nón của người Thái trắng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La

Với ý nghĩa nhân văn đó, trong nhiều năm qua (Từ năm 2013-2020), Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và UBND các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu đã phối hợp nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2015, Nghệ thuật Xòe Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015.  Từ năm 2020 đến nay hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” đã được hoàn thiện và trình UNESCO xem xét ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trình tại kỳ họp 16 của Ủy ban Liên chính phủ của UNESCO được tổ chức tại Paris - Pháp vào ngày 15/12/2021./.

Tác giả: Nguyễn Vũ Hoài - Phòng Quản lý Văn hoá