Đưa giá trị lịch sử, văn hóa đến công chúng
Lượt xem: 517
Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, được Hội đồng Bảo tàng quốc tế (viết tắt là ICOM) tổ chức từ năm 1977. Đến năm 2002, Việt Nam tham gia ICOM và thành lập Hội đồng Bảo tàng Việt Nam viết tắt là “ICOM Việt Nam”. Tuy tham gia muộn hơn, song ICOM Việt Nam đã có nhiều hoạt động, đóng góp tích cực, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị di sản văn hoá dân tộc.

Chương trình giáo dục truyền thống “Em yêu lịch sử”
cho học sinh Trường THCS-THPT Chu Văn An và THCS Nguyễn Trãi (Thành phố).

Cùng với sự phát triển của hệ thống bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã phát triển không ngừng phục vụ nhiệm vụ chính trị, nghiên cứu khoa học và phổ biến giáo dục khoa học thông qua hoạt động nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, tuyên truyền phát huy giá trị các Di sản văn hóa của tỉnh Sơn La. Hiện, đơn vị đang quản lý Bảo tàng - Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Nghĩa trang Liệt sỹ Nhà tù Sơn La, Cây đa bản Hẹo, Đền thờ Vua Lê Thái Tông, Đền thờ Bác Hồ (Quảng trường Tây Bắc), Trụ sở Bảo tàng tỉnh, Nhà trưng bày Di sản Văn hóa vùng lòng hồ Thủy Điện Sơn La.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã chú trọng công tác thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật; thay đổi cách nghiên cứu tư liệu, khai thác thông tin. Dựa trên tiến trình lịch sử, mỗi giai đoạn lịch sử lựa chọn một sự kiện tiêu biểu, một nhân vật lịch sử tiêu biểu làm đại diện để giới thiệu nội dung trưng bày, thể hiện tư tưởng chủ đạo triển lãm. Ngoài ra, Bảo tàng còn xây dựng các bản chú thích và thực hiện song ngữ Việt - Anh theo hướng đạt chuẩn quốc tế, giúp khách nước ngoài hiểu rõ về nội dung cơ bản mà triển lãm đưa ra.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang thực hiện 2 loại hình trưng bày, gồm cố định và triển lãm lưu động. Trong đó, trưng bày cố định tại 3 phòng chuyên đề giới thiệu về thời kỳ tiền, sơ sử của tỉnh Sơn La; Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La và đặc trưng văn hóa các dân tộc Sơn La. Đơn vị còn tổ chức các cuộc triển lãm lưu động. Nếu như trưng bày thường xuyên nhằm giới thiệu nội dung tổng thể, khái quát theo đề cương chính trị được phê duyệt, thì triển lãm lưu động sẽ khai thác một khía cạnh chuyên sâu.

Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các hoạt động trưng bày lưu động có phần hạn chế, do không tập trung đông người. Tuy nhiên, đơn vị cũng bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh tổ chức nhiều cuộc triển lãm ảnh, như: “Đất nước trọn niềm vui”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng mãi với dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới; “Du lịch Sơn La - Tiềm năng và phát triển”; “Đảng bộ tỉnh Sơn La tiến bước dưới cờ Đảng quang vinh”; “Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La với phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020”; “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc” tại Hà Nội; “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường Sơn La’’.

Công tác sưu tầm hiện vật được Bảo tàng tỉnh đưa vào kế hoạch hằng năm và tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức. Cử cán bộ, viên chức của đơn vị phối hợp triển khai các cuộc sưu tầm, tìm kiếm tư liệu, hiện vật trên địa bàn tỉnh; góp phần làm phong phú thêm kho tư liệu, hiện vật phục vụ các hoạt động trưng bày. Từ năm 2020 đến nay, đã sưu tầm 361 tư liệu, hiện vật, gồm: 43 hiện vật dân tộc Khơ Mú, 2 hiện vật dân tộc Xinh Mun, 7 hiện vật di dân ở Quỳnh Nhai, 32 tư liệu hiện vật về khai hoang, nông trường; 277 tư liệu giấy, ảnh.

Với sự tích cực đổi mới trong trưng bày và sưu tầm hiện vật, Bảo tàng tỉnh ngày càng khẳng định vai trò trong hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh, trở thành điểm đến tham quan, nghiên cứu hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức khoa học và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công chúng. Từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đón và phục vụ trên 146 nghìn lượt du khách đến tham quan.

Ngoài việc phục vụ du khách, từ lâu Bảo tàng tỉnh đã trở thành một địa điểm tham quan học tập lý tưởng của học sinh, sinh viên, là nơi các em học sinh tham gia tìm hiểu các giá trị di tích lịch sử, văn hóa cách mạng ở địa phương, nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc đối với các em. Trong đó, đã tổ chức 70 cuộc giáo dục truyền thống tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, thu hút hàng chục nghìn lượt giáo viên và học sinh tham gia.

Bảo tàng tỉnh đang tiếp tục hoàn chỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các hoạt động tại đơn vị; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào các khâu công tác của bảo tàng; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ bảo tàng có chuyên môn sâu, nghiệp vụ giỏi; phối hợp triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.