Quỳnh Nhai bảo tồn và phát huy những lễ hội đặc sắc
Lượt xem: 554
Quỳnh Nhai - vùng đất “sơn thủy hữu tình”, được ví như “Hạ Long” của vùng Tây Bắc. Nơi đây, còn là vùng đất lâu đời của cư dân vùng sông nước dọc đôi bờ sông Đà với nhiều nét văn hóa và lễ hội đặc sắc. Ngày nay, những giá trị ấy đang được bảo tồn và phát huy, đặc biệt là sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Tái hiện Lễ hội rượu cần của dân tộc Kháng tại huyện Quỳnh Nhai.

Sau khi tiếp thu Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ huyện ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị đến cán bộ chủ chốt, các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội huyện, đội ngũ báo cáo viên của huyện và chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc, các ngành chức năng tổ chức triển khai nội dung Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức các lễ hội đảm bảo trang trọng, nhưng không lãng phí, giảm việc sử dụng ngân sách trong hoạt động tổ chức lễ hội, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động tổ chức lễ hội của địa phương. Đặc biệt, huyện đã triển khai thực hiện Chỉ thị 41 gắn với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng thời, thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn, lễ hội. Qua đó, bảo đảm công tác quản lý và tổ chức lễ hội của địa phương theo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân.

Đặc biệt, công tác bảo tồn phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được duy trì và phát triển, các lễ hội được quy hoạch cụ thể gắn với không gian, thời gian và địa điểm, như: Lễ hội gội đầu được tổ chức vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm, nhằm tưởng nhớ vị tướng Nàng Han của dân tộc Thái, dũng cảm đứng lên bảo vệ bản mường, đồng thời là dịp cầu cho muôn dân được an cư lạc nghiệp, xua đi những điều không may mắn của năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới nhiều vui vẻ hạnh phúc. Lễ hội đua thuyền truyền thống, tuần văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai gắn với mùa lễ hội ngay sau tết Nguyên đán hằng năm; các lễ hội khác trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện cũng gắn với các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương và truyền thống của từng dân tộc. Năm 2019, huyện Quỳnh Nhai vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội Xên Pang A của dân tộc La Ha vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; năm 2020, nghi lễ gội đầu (lung ta) của người Thái trắng Quỳnh Nhai được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; huyện đang tiếp tục lập hồ sơ khoa học đối với Lễ Kin Pang Then của người Thái trắng... Cùng với đó, đến với Quỳnh Nhai du khách còn được thưởng thức ẩm thực phong phú của người Thái trắng với món khẩu lam, khẩu hang, pa pỉnh tộp, pa dảng, gà mọ... Được hòa mình trong vòng xòe, say mê trong tiếng đàn tính tẩu, sống trong sự gần gũi, thân thiện giàu lòng mến khách của tình người nơi đây, tạo những ấn tượng không thể quên mỗi dịp đến vùng sông nước. Đây cũng là lý do ngày càng nhiều du khách đến vùng đất này để tham quan, trải nghiệm.

Để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn, huyện Quỳnh Nhai đang đề nghị phát triển các lễ hội đặc sắc của địa phương và xem xét có thể phát triển thành lễ hội cấp tỉnh, lễ hội cấp quốc gia; hỗ trợ chính sách phát triển với các lễ hội đặc sắc có nguy cơ mai một trong cộng đồng các dân tộc. Có chính sách khuyến khích các nghệ nhân, người nắm giữ thực hành các nghi thức của lễ hội trong cộng đồng các dân tộc phát huy và phổ biến ra cộng đồng.