19/4 - Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Lượt xem: 1426
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008, lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Sơn La là một tỉnh có 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, độc đáo luôn được cộng đồng các dân tộc chung tay gìn giữ và phát huy.

Trong những năm qua, công tác gìn giữ, tôn vinh và phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh Sơn La được quan tâm triển khai và đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó phải kể đến nỗ lực của cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương, nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc.

Trước hết là công tác gìn giữ di sản văn hóa vật thể, đó là thực hiện tốt công tác tổng kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh 5 năm/lần để đánh giá thực trang bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, bổ sung các di tích mới phát hiện, loại bỏ những di tích không có khả năng phục hồi, phát huy giá trị, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và ban hành danh mục di tích trên địa bàn toàn tỉnh để làm cơ sở cho công tác lập hồ sơ khoa học trình các cấp xếp hạng; bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tính đến hết năm 2019, tỉnh Sơn La có 96 di tích được phê duyệt trong Danh mục, trong đó có 01 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 15 di tích xếp hạng quốc gia, 46 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 34 di tích chưa được xếp hạng. Hàng năm, chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tiến hành khảo sát, sưu tầm từ khoảng 100 hiện vật về văn hóa các dân tộc bổ sung cho kho cơ sở và thực hiện các nội dung trưng bày phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, trưng bày Bảo tàng tỉnh. Từ năm 2018, Bảo tàng tỉnh cũng đã có nhiều sáng tạo, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Bảo tàng với việc tuyên truyền giá trị văn hóa các dân tộc đến các trường phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh, tổ chức các cuộc trải nghiệm về văn hóa các dân tộc để giới thiệu, giúp cho các em học sinh, du khách đến Sơn La hiểu biết và có những trải nghiệm thú vị về văn hóa các dân tộc của tỉnh Sơn La. Đồng thời, Bảo tàng tỉnh cũng đã trưng bày, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về đặc trưng văn hóa, di sản văn hóa trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi và tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La.

Đồng thời gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc:

Triển khai thực hiện và hoàn thành công tác kiển kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, lập phiếu kiểm kê, hồ sơ kiểm kê, đưa lên phần mềm quản lý di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công tác kiểm kê đã đánh giá thực trạng về di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Sơn La (theo 07 loại hình), nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về việc gìn giữ di sản văn hóa của mỗi dân tộc, đồng thời tuyên truyền cho cấp ủy, chính quyền và người dân về việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc, tìm hiểu, đánh giá và tôn vinh những giá trị văn hóa tiêu biểu, nghệ nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể.

Tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tính đến nay, tỉnh Sơn La đã lập được 12 bộ hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể và đã có 10 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có các địa phương đã rất tích cực chủ động và phối hợp trong công tác lập hồ sơ di sản như: Huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Yên Bái, Điện Biên và Lai Châu lập hồ sơ di sản Nghệ thuật Xòe Thái đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hồ sơ đã hoàn thành vào năm 2019, sẽ được UNESCO xét vào năm 2021. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm thực hiện các giải pháp bảo tồn, hạn chế ở mức thấp nhất nguy cơ mai một và phát huy hiệu quả di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc.

Thực hiện Kế hoạch bản tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020, với các nội dung: Khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và truyền dạy các loại hình văn hóa của các dân tộc (các làn điệu dân ca của dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường; Nhạc cụ các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú; Các nghi lễ: Cúng bản (dân tộc La Ha, Khơ Mú, Lào), Cúng vía trâu (dân tộc Thái), Mừng cơm mới (dân tộc Khơ Mú, Lào), Cầu phúc cầu lộc (dân tộc Khơ Mú); Nghề thủ công truyền thống: Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục (dân tộc Mông, Dao), Nghệ thuật làm giấy và vẽ tranh thờ trên giấy dó (dân tộc Dao).

Sau khi được lập hồ sơ khoa học và được tư liệu hóa, các di sản văn hóa được dựng phim và phát sóng chuyên mục “Di sản văn hóa” trên sóng Phát thanh - Truyền hình của tỉnh Sơn La và Đài trung ương nhằm tuyên truyền về bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn la đến với Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, bạn bè trong và ngoài nước.

Tỉnh Sơn La có phong trào văn nghệ quần chúng với hơn 3000 đội hoạt động thường xuyên góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, phục vụ cho du lịch phát triển.

Làm tốt công tác xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú lính vực di sản văn hóa phi vật thể. Qua 2 đợt xét tặng năm 2015 và 2018, tỉnh Sơn La đã được Chủ tịch nước phong tặng 28 Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đã tôn vinh và động viên tinh thần rất lớn cho những người nắm giữ di sản, “Những báu vật nhân văn sống” của cộng đồng các dân tộc.

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc sẽ có bản sắc văn hóa của riêng mình và hình thành nên thương hiệu của dân tộc đó. Mỗi cộng đồng dân tộc sẽ gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc mình tốt hơn nếu hiểu sâu sắc, thấy tự hào và tự nguyện chung tay gìn giữ./.

Tác giả: Ngô Thị Hải Yến