Lễ cầu may, cầu phúc (Mạ grợ) của người Khơ Mú ở Sốp Cộp
Lượt xem: 686
Ở huyện Sốp Cộp, người Khơ Mú cư trú tại 15 bản, thuộc các xã: Sốp Cộp, Mường Lạn, Mường Và, Mường Lèo, Dồm Cang, Nậm Lạnh. Người Khơ Mú ở đây vẫn gìn giữ và tổ chức đều đặn các nghi lễ của dân tộc, trong đó có Lễ cầu may, cầu phúc (Mạ grợ).

Hàng năm, sau khi gặt hái mùa màng xong, khoảng tháng 11-12 âm lịch các gia đình lại chuẩn bị các điều kiện, chọn ngày đẹp để tổ chức Lễ cầu may, cầu phúc.

Nghi lễ cầu may, cầu phúc thực chất là Tết lớn nhất trong năm của người Khơ Mú, mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, là dịp để con cháu dâng lễ lên tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết với con cháu; làm lễ cầu mong cho các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh; tiễn năm cũ đi cùng tất cả những sui sẻo, ốm đau, bệnh tật, mong được đón năm mới với nhiều điều may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, gia đình hòa thuận, ấm no.

Nghi lễ được diễn ra trong quy mô từng gia đình, có sự tham gia của họ hàng, bà con dân bản. Chỉ những gia đình nào có bàn thờ bố mẹ mới được tổ chức Lễ cầu phúc, cầu lộc (tức là bố mẹ đã mất). Vì vậy, đến ngày này, con cháu thường tập trung về nhà bố mẹ để tham dự nghi lễ cúng ông bà, đoàn tụ gia đình. Nếu gia đình nào có nhiều con trai thì khi bố mẹ mất, tất cả những người con trai đều được tổ chức nghi lễ cầu phúc, cầu may. Chủ lễ là ông chủ nhà, nếu ông chủ nhà mất (còn vợ) thì con trai cả sẽ thay mặt bố để tổ chức nghi lễ.

Để tổ chức nghi lễ, họ chọn ngày đẹp (chỉ trừ những ngày mất của bố, mẹ), còn lại các ngày trong tháng đều được. Người Khơ Mú tính theo lịch riêng, giống lịch của người Thái, chênh lên 02 tháng so với dương lịch. Mỗi tháng có 30 ngày, thì lịch cứ lặp lại 10 ngày/lần theo hệ can, chi, nên mỗi tháng sẽ có đến 3 ngày cúng bố, 3 ngày cúng mẹ (ví dụ: Mẹ chết vào ngày Thân, bố chết vào ngày Dần, thì trong tháng đó có 03 ngày Thân và 03 ngày Dần được coi là ngày xấu, ngày kiêng, không được làm lễ). Thường những người dân trong bản tổ chức mỗi hôm vài gia đình cho đến hết số gia đình trong bản, trong thời gian từ tháng 11-12 âm lịch.

Lễ vật để tổ chức Lễ cầu phúc, cầu lộc đơn giản, chỉ bao gồm các loại củ, quả: Các loại khoai: Khoai lang, sọ, củ mài; các loại bí: đỏ, xanh, bầu được chị em lấy về, đồ chín để dâng lên tổ tiên. Ngoài ra, nhà nào cũng phải có 1 đôi gà (1 con trống, 1 con mái), dòng họ Quàng (là dòng họ thờ con hổ) thì phải mổ lợn để làm lễ; các gia đình mổ thêm lợn, gà, vịt, mua thêm thực phẩm để tổ chức ăn tết. Mỗi gia đình phải chuẩn bị vài hũ rượu cần để dâng lên tổ tiên và uống trong ngày lễ.

Diễn biến của nghi lễ: Từ buổi những hôm trước đó, chủ nhà đã chuẩn bị sẵn vài chum rượu cần; thu hoạch các loại củ, quả để về làm lễ, nhốt gà, lợn, vịt để hôm sau làm lễ. Khoảng 3h chiều ngày chính lễ. Ông chủ nhà sẽ chủ trì tổ chức nghi lễ:

* Phần lễ:

- Lễ mời tổ tiên ăn tết:

+ Người nhà lấy một thanh gỗ (thường ngày được gác trên xà nhà ở gian cúng, khi nào làm lễ mừng cơm mới, tết mới lấy xuống), có tiết diện khoảng 3x7cm, dài từ sàn nhà lên tận xà nhà, ở sàn nhà đã đục sẵn một cái ngàm để cài chân thanh gỗ xuống mặt sàn cho cho chắc, trên xà nhà cũng đính sẵn một miếng gỗ ngàm để lồng ngọn thanh gỗ, thanh gỗ được đặt chính giữa của xà ngang gian thứ nhất (gần gian thờ), từ mặt sàn lên khoảng 50 cm có gắn trên thanh gỗ một thanh ngang khoảng 40cm (thanh gỗ này mang ý nghĩa nối âm dương). Người nhà bê vào một chum rượu cần, mở nắp, đổ nước vào, dùng lạt buộc miệng chum vào thanh gỗ cho chắc, cắm vào chum rượu 4 chiếc cần trúc. Người ta mang đến một chậu nước, có sẵn sừng trâu để tiếp nước, đặt cạnh chum rượu.

+ Lúc này, người nhà cũng đặt giữa nhà một mâm củ, quả đã được đồ chín. Mọi người trong gia đình, con cháu, họ hàng đến dự ngồi xung quanh nhà.

+ Mọi người trong gia đình đều tập trung tại gian thờ tổ tiên, gần chum rượu cần. Người con trai cả bắt vào 1 con gà trống, lấy 1 con dao nhọn đưa vào cho ông chủ nhà. Ông chủ nhà rửa con dao, rửa mỏ con gà rồi dùng dao cứa mép con gà cho chảy máu ra. Ông chủ nhà một tay cầm hai cánh gà, một tay cầm đầu gà vừa khấn, vừa bôi máu con gà lên chân những người trong gia đình, bôi quệt từ đầu gối xuống đến cổ chân, lần lượt từ người nhỏ tuổi nhất đến người lớn tuổi nhất, cuối cùng bà chủ nhà sẽ bôi cho ông chủ. Sau khi bôi xong tiết con gà trống, người con trai cả đem con gà trống ra ngoài, bắt tiếp con gà mái và cũng thực hiện các nghi lễ như vậy. Trong lúc bôi tiết gà, ông chủ khấn cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, may mắn, mong cho tổ tiên phù hộ…những người tham dự lễ cũng đồng thanh khấn theo ông chủ, chúc phúc, cầu may, cầu sức khỏe cho mọi người trong nhà. 2 con gà được mang đi mổ để làm lễ.

Ông chủ nhà bôi tiết gà cho các thành viên trong gia đình đề cầu phúc

+ Sau đó, ông, bà chủ nhà ngồi cạnh chum rượu cần, bà chủ nhà cầm sừng trâu để tiếp nước vào rượu, ông chủ lấy ra một đôi đũa tre (giống đôi đũa cả, dài khoảng 20cm), một tay ông vít 02 cần rượu, 1 tay ông dùng đũa cả gắp bã rượu từ trong chum ra, bón qua một cái lỗ sàn nhà (đã được đục sẵn từ trước), ngụ ý mời bố mẹ về ăn tết, uống rượu cần, vừa bón ông vừa khấn mời bố mẹ uống rượu cần, ăn tết với con cháu, cầu mong bố mẹ phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, gia đình hòa thuận, làm ăn phát đạt. Khi ông chủ cất lời cúng thì những người già, người lớn cũng cúng khấn theo để cầu mong cho tổ tiên phù hộ cho gia chủ.

+ Thực hiện nghi lễ xong, mọi người cùng nhau uống rượu cần và củ, quả đồ. Đầu tiên ông chủ mời những người lớn tuổi, có chức sắc trong bản, sau đó đến những người khác. Những người được mời uống rượu đều vừa vít cần rượu, nói lời cảm ơn chủ nhà và cầu mong cho các con cháu trong gia đình khỏe mạnh, năm mới nhiều may mắn, khi đó mọi người ngồi xung quanh cũng khấn theo.. ông chủ nhà cũng đáp lời cảm ơn, rồi cùng uống rượu cần.

Chủ nhà mời khách hưởng lộc và uống rượu

Chủ nhà mời những người cao tuổi uống rượu cần

Chủ nhà mời khách vui  uống rượu cần

- Lễ cầu hồn, vía cho mọi người trong nhà:

+ Nghi lễ được thực hiện tại gian thờ nơi mời tổ tiên ăn Tết. Mâm lễ gồm các đồ lễ đã được bà chủ nhà chuẩn bị sẵn. Mâm lễ là một chiếc mâm gỗ vuông, nhỏ (kích thước  khoảng 40cm x 40cm, được treo ở gian thờ, chỉ khi làm lễ cúng mới bỏ xuống) hoặc một phên tre, đặt 1 bát các loại củ, quả đồ chín, 2 con gà được luộc chín, chặt ra để lên mâm, một bát canh rau (hoặc bát nước luộc gà), 1 bát muối ớt, đặt 4 thìa, 4 đôi đũa ở 4 góc mâm, 1 ép xôi to. Mâm lễ được đặt cạnh chum rượu cần.

+ Ông bà chủ nhà tập chung tất cả con, cháu lại, từ đứa còn ẵm ngửa đến người trưởng thành, ngồi xung quanh mâm lễ. Ông chủ nhà bắt đầu làm lễ, ông mặc trang phục bình thường nhưng phải vắt lên vai một chiếc khăn mặt để tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên. Ông mở ép xôi cốm, vê xôi thành từng miếng nhỏ bằng đầu ngón tay, chấm chấm vào các đồ lễ, rồi dính lên tóc của con, cháu, theo thứ tự từ người bé nhất đến người lớn nhất đều được dính mỗi người 2 miếng xôi (người nào đội khăn thì có thể dính lên trán), người nào có gia đình rồi mà con cái đi vắng không về dự được thì dính thêm 1 miếng xôi lên tóc của bô, mẹ, vừa dính xôi, ông chủ vừa cúng khấn cầu mong cho con cháu khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, không rủi ro, tai nạn, tiễn năm cũ, đón năm mới. Cuối cùng bà chủ nhà sẽ vê xôi dính lên tóc ông chủ nhà và cầu khấn cho ông khỏe mạnh, may mắn, nhiều phúc, nhiều lộc. Trong khi ông, bà chủ nhà cúng khấn thì mọi người tham gia cũng đồng thanh cúng khấn theo xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho gia chủ khỏe mạnh, may mắn.

Chủ nhà vê sôi dính lên tóc cho các thành viên trong gia đình để cầu may

+ Cúng xong cho mọi người trong gia đình, ông chủ thực hiện nghi lễ mời tổ tiên ăn tết. Ông cũng vê từng miếng xôi nhỏ chấm vào các bát thức ăn rồi dính vào mặt mâm, vừa dính xôi, ông vừa khấn mời tổ tiên ăn tết, cầu khấn tổ tiên phù hộ cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, gia xúc, gia cầm sinh sôi.

Chủ nhà mời tổ tiên ăn Tết

+ Sau đó, ông chủ nhà nắm xôi và chia thịt gà cho những đưa trẻ trong gia đình hưởng lộc.

* Phần hội:

Trong khi chủ nhà thực hiện các nghi lễ, người nhà chuẩn bị thức ăn, xôi, củ quả để tổ chức ăn tết. Tùy vào số lượng người trong gia đình, người tham dự nhiều hay ít để dọn mâm, thường mỗi gia đình dọn từ  3-5 mâm cỗ.

Thực hiện nghi lễ xong, mọi người ăn cơm, vừa ăn cơm, vừa uống rượu cần và múa xòe. Trong lúc múa xòe thì có người dùng củ, quả đã đồ sẵn bôi lên những người tham gia, ai cũng phải bôi một ít để lấy lộc, lấy phúc của chủ nhà. Cuộc vui này có thể đến khuya, càng về khuya, cuộc vui càng rộn ràng, mọi người càng bôi quả, củ vào nhau nhiều hơn. Đây cũng là một nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Khơ Mú.

Nghi lễ cầu may, cầu phúc của người Khơ Mú được tổ chức để tiễn năm cũ, tiễn những rủi ro, ốm đau của năm cũ, đón năm mới với mong muốn con người khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh tật, làm ăn phát đạt. Là dịp mọi người trong gia đình đoàn tụ, nhớ về tổ tiên. Là nghi lễ truyền thống mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh sâu sắc của người Khơ Mú, thể hiện tính cộng đồng, đoàn kết của những người trong gia đình, dòng họ, làng bản, cần được giữ gìn và phát huy./.

Tác giả: Ngô Thị Hải Yến