SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM
Lượt xem: 778
Di sản Văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Di sản Văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ  văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản Văn hóa đã được thực hiện từ lâu, ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945. Ngày 23/11/1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn Di sản Văn hóa dân tộc.

Trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới; ngày 24/02/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Theo đó, việc tổ chức Ngày Di sản Văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng. Bên cạnh đó việc tuyên truyền Ngày Di sản Văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Sơn La trong hoạt động chuyên môn của đơn vị đã đồng thời triển khai một số hoạt động thiết thực như: Tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao” với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương. Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng tới kỷ niệm 14 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2019), nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao trong nền văn hóa đa dạng mà thống nhất của 12 dân tộc sinh sống chủ yếu tại Sơn La. Đến với hoạt động trải nghiệm, du khách có cơ hội được giao lưu và trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghi lễ truyền thống của dân tộc Dao như: Tái hiện Nghi lễ Cấp sắc của người Dao tiền, gồm phần nghi lễ cúng Cấp sắc và các điệu đặc sắc như múa khăn, múa chuông... Đây là Di sản văn hóa đã được công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Lễ Cấp sắc là một nghi thức đặc trưng và không thể thiếu được của người đàn ông Dao, được tiến hành một lần duy nhất trong đời. Người đàn ông phải trải qua Lễ Cấp sắc mới được cộng đồng làng bản công nhận đã trưởng thành, được tham gia các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của dòng họ. Tại chương trình, người dân và du khách còn được hòa mình vào các hoạt động trải nghiệm các hoạt động trình diễn văn hóa ẩm thực đa đạng của đồng bào dân tộc Dao như nấu rượu hoãng, đồ xôi sắn, làm thịt  chua, gói bánh chưng nếp cẩm; in, vẽ sáp ong, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống; các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co…; Bảo tàng tỉnh đã miễn vé vào cửa cho du khách tham gia trải nghiệm. Trong khuôn khổ của hoạt động trải nghiệm, Bảo tàng tỉnh Sơn La còn tổ chức trưng bày triển lãm ảnh với chủ đề “ Sơn La - Di tích và danh thắng” gồm 10 pano với gần 100 hình ảnh giới thiệu về các di tích, danh thắng, những hình ảnh đẹp về con người, thiên nhiên tại mảnh đất Sơn La.

 Theo bà Lưu Thị Hải Anh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La, hoạt động giáo dục trải nghiệm “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao” được tổ chức với mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Qua đó quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người Sơn La nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng. Đồng thời mở ra một hướng tiếp cận văn hóa mới cho người dân và du khách, giúp xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Một số hình ảnh tiêu biểu trong chuỗi hoạt động của Bảo tàng chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.

Trình diễn Nghi lễ Cấp sắc, hoạt động văn hóa truyền thống của  người Dao tiền, xã Suối Lìn, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La)

Tiết mục múa chuông truyền thống

Nghệ nhân hướng dẫn cách vẽ hoa văn sáp ong lên vải cho du khách đến tham gia chương trình

Tác giả: Quàng Tố Quyên – Bảo tàng tỉnh Sơn La