Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La
Lượt xem: 745
Ngày 05/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La


Phạm vi, quy mô lập quy hoạch là 32,3 ha, trong đó 7,8ha diện tích các khu vực bảo vệ Di tích Nhà tù Sơn La và 24,5ha diện tích nghiên cứu mở rộng, gồm các địa điểm, công trình di tích lịch sử đề nghị bổ sung và cảnh quan thiên nhiên khu vực vùng đệm xung quanh đồi Khau Cả, thung lũng Gốc Ổi liên quan tới di tích

Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La trở thành điểm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam.Xây dựng khu vực đồi Khau Cả thành công viên lịch sử - văn hóa, địa điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, gắn với các giá trị của di tích và giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch địa phương. Xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian và bố trí hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Quy hoạch không gian, kiến trúc cảnh quan theo hướng bảo tồn nguyên trạng di tích gốc; giữ lại hệ thống trưng bày tại nhà ngục hiện nay, chuyển các hạng mục tưởng niệm khác sang khu trưng bày chuyên đề tại Trại lính khố xanh (nhà bảo tàng Sơn La hiện nay). Nghiên cứu, phục dựng một số gian phòng giam tù nhân tại những khu vực mới tôn tạo. Tiếp tục thực hiện các dự án nghiên cứu khảo cổ, tu bổ, tôn tạo các địa điểm có dấu vết khảo cổ như khu Nhà giám ngục, nền móng khu nhà tù mở rộng năm 1941. Đồng thời kết hợp với đề án di dời khu trung tâm hành chính củatỉnh, di dời các công trình không phải kiến trúc gốc, chồng lấn lên các vết tích lịch sử hoặc đã xuống cấp để quy hoạch các không gian chức năng như tưởng niệm, nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống, trưng bày, diễn giải du lịch… Bên cạnh đó, xem xét giữ lại các công trình có chất lượng, quy mô, vị trí phù hợp để khai thác, chuyển đổi chức năng theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ du lịch gắn với khai thác, phát huy giá trị di tích như Nhà Bát giác, nhà làm việc của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh. Bảo tồn không gian cảnh quan truyền thống và môi trường sinh thái khu vực đồi Khau Cả, tạo tiền đề cho các dự án đầu tư, thu hút nguồn vốn xã hội hóa biến nơi đây thành tổ hợp công viên lịch sử - văn hóa gắn với hoạt động thăm quan, nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi giải trí tại thành phố Sơn La.

Giải pháp phát triển du lịch, xây dựng, hình thành các chương trình du lịch, tham quan di tích trong mối liên kết các điểm di tích nội vùng, nội tỉnh, các tuyến du lịch phụ trợ, chuyên đề kết hợp với các tuyến du lịch quốc tế. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch lịch sử - văn hóa về nguồn (liên kết các điểm di tích Văn bia Quế Lâm Ngự chế và đền thờ Vua Lê Thái Tông, Cây đa bản Hẹo, Ao cá Bác Hồ…), tìm hiểu, trải nghiệm phong tục tập quán của các dân tộc; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại các bản du lịch cộng đồng của thành phố Sơn La. Hình thành, phát triển các tuyến du lịch truyền thống tại Tây Bắc với các tỉnh Bắc Lào, kết nối Khu di tích Nhà tù Sơn La với các điểm di tích trên địa bàn và vùng phụ cận…

Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch xây dựng được phê duyệt trong khu vực di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông giữa các khu chức năng trong khu vực quy hoạch di tích. Đảm bảo cung ứng đầy đủ nước sinh hoạt, xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, cơ sở thu gom chất thải rắn, mạng lưới thông tin liên lạc…phù hợp với không gian, kiến trúc của khu di tích và mỹ quan đô thị.

Thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2019 đến năm 2030, sử dụng ngân sách nhà nước kết hợp các nguồn vốn khác theo quy định. Trong đó, từ năm 2019-2020thực hiện cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích. Giai đoạn 2021-2026, tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích và cảnh quan khu vực tiếp giáp khu vực bảo vệ di tích; cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi chức năng một số công trình hiện có phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật và khảo sát khảo cổ để làm rõ giá trị di tích phục vụ công tác trưng bày. Giai đoạn 2026-2030, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo vệ, phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Sơn La công bố công khai quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực di tích theo hồ sơ quy hoạch được duyệt. Cập nhật ranh giới diện tích quy hoạch vào kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 của tỉnh. Xây dựng lộ trình thu hồi đất để bàn giao triển khai kế hoạch bảo vệ di tích và thực hiện các dự án đầu tư thành phần. Đồng thời, giao các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, tạo điều kiện để triển khai thực hiện quy hoạch.

Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908với diện tích 1.500m2, qua 2 lần củng cố và mở rộng vào các năm 1930 và 1940, Nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.170m2.Từ năm 1930-1945, thực dân Pháp đày lên Nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với tổng số 1.013 lượt tù nhân, trong đó nhiều đồng chí là Ủy viên Trung ương, Xứ ủy, Thành ủy và cán bộ cốt cán của Đảng. Thực dân Pháp muốn lợi dụng triệt để khí hậu khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc, dịch bệnh, kết hợp với chế độ tù đày hà khắc để làm suy kiệt, giết mòn ý chí và tinh thần đấu tranh của tù nhân. Nhưng tất cả những âm mưu thâm độc đó của thực dân Pháp đã không thực hiện được. Tại Nhà tù Sơn La, những người tù chính trị đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán cho Đảng tiêu biểu như các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn...

Ngày nay, Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân các dân tộc Sơn La và cả nước. Hàng năm khu di tích đón tiếp, phục vụ hàng trăm nghìn lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu.Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La được xếp hạngQuốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Tác giả: Phạm Văn Tuấn - Bảo Tàng tỉnh