LỄ CÚNG VÍA TRÂU CỦA NGƯỜI THÁI TỈNH SƠN LA
Lượt xem: 676
Ở Sơn La, người Thái có dân số đông nhất, chiếm 53,76% dân số của tỉnh. Đồng bào Thái có nền nông nghiệp lúa nước khá phát triển với hệ thống thủy lợi “Mương - phai - lái - lin” tương đối hoàn thiện, ngoài ra còn canh tác nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống và phục vụ mục đích tín ngưỡng, tâm linh.

Lễ cúng vía trâu của người Thái ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Người Thái quan niệm mọi vật đều có linh hồn, họ cho rằng việc ngự trị, quản lý, điều hành thế giới vạn vật là lực lượng siêu nhiên vô hình, đó là ma (phi). Ma có mặt ở mọi nơi mọi lúc, sẵn sàng can thiệp vào bất cứ việc gì của thế giới thiên nhiên, con người... do vậy, người Thái có tục thờ cúng, tổ chức các lễ hội, nghi lễ... để cầu xin các vị thần linh, tổ tiên trợ giúp cho cuộc sống con người khoẻ mạnh, sung túc, gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt bội thu. Lễ Cúng vía trâu là một trong những nghi lễ đặc trưng về nông nghiệp của người Thái ở Sơn La.

Lễ cúng vía trâu của người Thái xã Nặm Păm, huyện Mường La.

Theo quan niệm: con trâu là đầu cơ nghiệp, cả năm trâu đã vất vả giúp sức cho người nông dân cày ruộng làm ra thóc lúa nuôi sống con người. Nhưng có những lúc do sức ép của mùa vụ, của cuộc sống, người đối xử với trâu không được tốt như: đánh, mắng trâu. Vì sợ hồn vía của trâu giận, bỏ đi mất nên khi xong mùa cấy gia đình sắm mâm lễ để cúng vía, cầu cho trâu khỏe mạnh.

Sau Lễ cúng vía trâu, các gia đình rửa sạch cày bừa gác lên để vụ sau làm tiếp

Trước đây, do phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên người Thái chỉ làm một vụ mùa, họ thường cấy vào tháng 5, thu hoạch vào tháng 10 để tránh giá rét và một số chân ruộng phải chờ nước mưa. Vì vậy, lễ cúng vía trâu thường được tổ chức vào tháng 5, sau khi cấy xong. Hiện nay, ở Ngọc Chiến (Mường La) vẫn tổ chức lễ cúng vào tháng 5, còn lại các vùng cấy lúa 2 vụ thì tổ chức sau khi cấy xong vụ mùa, vào tháng 7 âm lịch.

Khi kết thúc việc cấy lúa, cả bản họp mặt bàn bạc thống nhất việc tổ chức lễ. Thầy cúng có nhiệm vụ xem ngày lành tháng tốt để chuẩn bị làm lễ.

Lễ cúng thường diễn ra trong 1 ngày rưỡi. Trước đây, khi dân bản còn nhiều trâu, họ lên rừng tìm một khoảng đất rộng có nhiều cỏ để làm nơi chăn thả trâu, gọi là Púng. Púng thường có hai cửa, 1 cửa vào và một cửa ra. Ngày nay số lượng trâu không còn nhiều nên các gia đình thả trâu tại nhà, ngày làm lễ người dân thường làm tại nơi thả trâu của gia đình.

Gia đình chuẩn bị 01 mâm lễ vật gồm 1 con gà luộc, 2 bát nước luộc gà, 1 đĩa trầu và vỏ chay, 8 chén rượu, 8 đôi đũa, 2 ép xôi, 1 chai rượu. Đặt mâm lễ trước bàn thờ tổ tiên của gia đình, thầy cúng thứ nhất khấn mời ông bà tổ tiên về thụ lễ của gia đình và xin phép được làm lễ cúng vía cho trâu, phù hộ cho trâu không bị bệnh tật, không bị hổ, sói ăn thịt...

Cúng xong mâm lễ thứ nhất, gia đình chuẩn bị 1 mâm lễ thứ hai đặt tại chỗ nhốt trâu của gia đình, lễ vật gồm có: 1 con gà luộc, 2 bát nước luộc gà, 1 đĩa trầu và vỏ chay, 8 chén rượu, 8 đôi đũa, 2 ép xôi, 1 chai rượu, cây lau, rọ đựng lông gà. Thầy cúng thứ hai khấn xin thổ địa về thụ lễ; báo cáo mùa vụ đã làm xong, lúa cấy đã bắt đầu bén rễ, lên xanh, xin phép được cúng vía cho trâu, để trâu được khỏe mạnh, không bị hổ ăn thịt, thấy vực đừng đi, thấy hang đừng vào, không bị con vắt chui vào mũi, lúc đi lành lặn, lúc về lành lặn…..

Sau đó, thầy cúng cúng vía cho trâu. Thầy treo lên sừng mỗi con trâu một cái giỏ đựng lông gà và khấn cúng vía cho trâu. Thầy nói rằng, trong mùa vụ đã chót đánh mắng trâu, giờ cúng vía mong trâu khỏe mạnh, cày cấy tốt, không bị ốm đau, không bị hổ, báo bắt đi. Cúng xong, thầy cúng mời trâu ăn cỏ lau, mời trâu miếng cơm nếp, uống một chén rượu để tỏ lòng biết ơn con trâu đã cùng với nhà nông làm mùa vụ vất vả.

          Hôm nay lúa cấy xong

          Mới tìm được lợn to về giết

          Tìm được gà béo về mổ

          Mang mâm cúng xuống tận dưới sàn

          Mời đến chủ ma rừng khéo trông

          Chủ ma núi khéo nuôi, khéo giữ

          Mời đến ma gầm sàn khéo buộc

          Ma bàn thờ khéo canh, khéo giữ

          Mời đến hồn trâu đực sừng dài

          Hồn trâu nái sừng nhọn

          Rủ nhau về ăn mâm gà to như chim công

          Về ăn mâm lợn to bằng cái máng

          Miếng cơm ruộng ngon dẻo

          Gạo giã cối trắng trong

          Rượu thơm ngon chủ nhà vừa nấu

          Ăn vào cổ cho no

Ăn xong mới lên núi ăn cỏ

Ở púng rộng cùng với hươu, nai

Nhai cỏ lau lá dầy

Nhai cỏ gianh lá non

Đừng cho con vắt chui vào mũi

Thấy vực sâu đừng nhảy

Thấy khe rộng đừng bước qua

Thấy con mặt hoa thì lẩn

Thấy con mặt vằn thì tránh

Chân sau đừng mắc rễ cây si chết hoang

Chân trước đừng mắc rễ cây đa chết phí

Có chửa đừng xảy thai

Đẻ con đừng chết yểu

Tạo liệng hãy đi trông

Ma nhà hãy đi canh đi giữ

Cho nó béo nó tốt

Cho nó khoẻ về nhà

Về buộc đầy trong chuồng

Về buộc chật dưới sân

Có 30 con cái sừng dài

Có 50 con đực sừng nhọn

Sừng nhọn như cựa gà

Có nhiều con kéo cầy năm tới

Có nhiều con làm ruộng năm sau

Cho vụ mùa xanh tốt

Cho lúa trổ bông vàng.

Cúng xong tất cả mọi người cùng nhau tổ chức ăn uống, rồi thả trâu lên bãi thả chung (Púng). Đến khi chuẩn bị mùa vụ, gia đình lại đón trâu về, chăm sóc để chuẩn bị vào mùa vụ tiếp theo.

Hiện nay, nhiều nơi đã không còn tổ chức Lễ cúng vía trâu nữa do nhiều nguyên nhân: mùa vụ đã có sự thay đổi, các gia đình nuôi trâu ít hơn, trâu không được thả vào rừng “Púng” nữa mà chủ yếu nuôi nhốt. Tuy trâu được nuôi nhốt ở chuồng nhưng người Thái ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La vẫn tổ chức Lễ cúng vía trâu hàng năm, sau lễ cúng các gia đình rửa cày bừa, gác lên để vụ sau làm tiếp.

Lễ cúng vía trâu của người Thái tỉnh Sơn La mang đậm dấu ấn văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước, đậm đà bản sắc dân tộc, là một nghi lễ không lớn nhưng mang đậm ý nghĩa nhân văn và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của tộc người Thái./.

Hải Yến