Kết quả thực hiện Đề án “Bảo quản, dịch thuật, khai thác, phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2015”
Lượt xem: 400
Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Thái chiếm 54,76% dân số toàn tỉnh, đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, thật sự đã và đang giữ vị trí quan trọng trong khối đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.


Cuốn sách xem ngày tháng của người Thái

Người Thái ở Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng là một trong rất ít dân tộc sớm có chữ viết. Theo “Quãm tỗ mưỡng” (Kể chuyện bản mường), từ thời Tạo Xuông, Tạo Ngần, dân Thái từ Mường Ôm, Mường Ai vào khai khẩn đất Mường Lò đã có “Một mường", "Mo mường” mang theo sách sử và sách xem ngày lành tháng tốt. Khi đi mở mang bờ cõi, Lạng Chượng đã mang theo cả ông Mo, ông Nghè để ghi chép và sáng tạo nên “Tãy pũ xớc” (Theo bước đường chinh chiến của cha ông) và khởi thảo “Quãm tỗ mưỡng” (Kể chuyện bản mường) - hai tác phẩm bất hủ của lịch sử Thái, truyền lại cho tới ngày nay.

Nếu theo L.Finô, nhà nghiên cứu tôn giáo người Pháp, chữ Thái có từ thế kỷ thứ VI, là loại chữ theo hệ Pâli - miền Nam Ấn Độ thì theo công bố mới đây của ông Đỗ Văn Xuyền, ông đã tìm thấy thấy Hịch khởi nghĩa Hai Bà Trưng viết bằng chữ Việt cổ nhưng nhà nghiên cứu Hoàng Trần Nghịch và các cộng sự đã khẳng định Hịch khởi nghĩa đó là chữ Thái cổ và ông đã dịch được ra tiếng phổ thông. Như vậy, chữ Thái có thể đã có từ hai ngàn năm nay.


Ông Lò Văn Lả đang đánh chữ Thái bằng phông chữ UNCODE

Chữ viết của người Thái có tự dạng Sanscrit, vốn được vay mượn từ Ấn Độ và được chế tác lại thành bộ chữ riêng. Không ai biết chính xác thời điểm ra đời của chữ Thái. Văn bản cổ nhất còn lưu giữ lại được cho đến ngày nay là Văn bia thời Rama Khamheng I vào thế kỉ thứ XIII sau công nguyên. Từ đó đến nay, sự xa cách về địa lý và sự tiếp xúc tộc người khác nhau của các nhóm Thái khác nhau trên con đường thiên di trong lịch sử đã tạo nên nhiều bộ chữ có nguồn gốc từ chữ Thái cổ khác nhau như: Chữ Thái Lan, chữ Lào, chữ Lự, chữ Thái ở Việt  Nam…


Cán bộ Bảo tàng tỉnh đang thực hiện công tác bảo quản sách chữ Thài cổ

Ở Sơn La, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong thời gian qua Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh đã tiến hành sưu tầm và lưu giữ hơn một ngàn bản sách chữ Thái cổ. Để bảo quản, phát huy giá trị của những cuốn sách chữ Thái cổ đang được lưu giữ, ngày 27/3/2012 Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 587/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án “Bảo quản, dịch thuật, khai thác, phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2014”, nguồn kinh phí được xác định để thực hiện đề án là:  lồng ghép nguốn vốn chương trình trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hàng năm và nguồn kinh phí của địa phương.

Từ năm 2012- 2015, Đề án đã cơ bản thực hiện được mục tiêu đề ra, cụ thể là: Đánh giá chính xác thực trạng vốn di sản văn hóa phi vật thể là sách viết bằng chữ Thái cổ hiện đang được lưu giữ tại Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh; Bảo tồn được một bước về kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của dân tộc Thái, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Khai thác được đầy đủ lượng thông tin đã ghi ở trong sách nhằm đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu cũng như phổ biến các giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc do ông cha để lại (những nội dung cuốn sách được dịch); Tạo ra tiền đề quan trọng để thành lập Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể ở địa phương Sơn La; Lập được hồ sơ khoa học và đã được công nhận Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).

Các nội dung chính của đề án đã được thực hiện, đó là: Kiểm kê, lược dịch và phân loại: số lượng, chủng loại và chất lượng sách chữ Thái cổ, hiện có trong 02 kho lưu trữ (Thư viện tỉnh và Bảo tàng tỉnh); Dịch thuật: từ chữ Thái cổ sang chữ Thái thông dụng hiện nay và dịch sang chữ quốc ngữ; Biên tập, khảo cứu, hiệu đính, chỉnh lý các bản dịch. Nhập phần dịch chữ Thái thông dụng hiện nay theo phông chữ Thái vi tính và chữ quốc ngữ vào máy vi tính; Xây dựng ngân hàng dữ liệu: Scan, số hóa, cập nhật cơ sở dữ liệu nhằm lưu trữ, bảo quản, khai thác, phát huy sách chữ Thái cổ đã có ở Thư viện tỉnh và Bảo tàng tỉnh; Nâng cấp Phân hệ kho lưu trữ sách chữ Thái cổ trong Phần mềm Thư viện điện tử Libol 6.0 của Thư viện tỉnh Sơn La; Mua sắm một số trang thiết bị cho Thư viện tỉnh.

Tuy nhiên, Đề án còn một số hạn chế, khó khăn như: một số sách chữ Thái cổ tại Bảo tàng tỉnh chưa được số hóa; Bảo tàng tỉnh chưa có phần mềm số hóa quản lý dữ liệu sách, số sách sau khi được số hóa hiện đang được gửi vào phần mềm quản lý tại Thư viện tỉnh, khó khăn cho việc quản lý và phát huy giá trị tại Bảo tàng tỉnh; chưa tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi lại Quy chế Bảo vệ và sử dụng sách chữ Thái cổ ban hành từ năm 1996; Đề án phải kéo dài thời gian thực hiện.

Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế đó là do nguồn kinh phí của tỉnh chưa bố trí được; nguồn nhân lực am hiểu về chữ Thái cổ có khả năng dịch thuật ngày càng ít vì vậy việc dịch thuật phải kéo dài.

Với những hạn chế và khó khăn nêu trên để thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị sách chữ Thái cổ trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2016 Bảo tồn và phát huy giá trị  sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2019, trong đó thực hiện các nội dung chủ yếu: Xây dựng ngân hàng dữ liệu: Scan, số hóa, cập nhật cơ sở dữ liệu, mã hóa sách chữ Thái cổ (số sách chưa được thực hiện tại kho của Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh); Nâng cấp phần mềm thư viện số Liboldigital 6.0 lên Liboldigital 6.5 tại Thư viện tỉnh; Bổ sung trang thiết bị để bảo quản và phát huy giá trị sách chữ Thái cổ.

Để có được kết quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị sách chữ Thái cổ nêu trên là sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác tham mưu, thực hiện đề án; sự góp sức của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu văn hóa Thái./.

HẢI YẾN - PHÒNG QUẢN LÝ DI SẢN