Nghệ nhân nặng lòng với lễ hội Mợi và đang Mường
Lượt xem: 527
Đợt phong tặng danh hiệu NNƯT vừa qua, huyện Phù Yên có 5 nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh. Trong số này, nghệ nhân Đinh Thị Nhòn, 91 tuổi được xem là cây đại thụ khi cả đời gắn bó, cống hiến, phát huy di sản dân tộc.

Một màn hát đang của người cao tuổi xã Quang Huy (Phù Yên).

Sinh ra và lớn lên ở bản Thải, xã Mường Thải. Ngay từ nhỏ, cụ Nhòn đã say mê các lễ hội ở bản, ở mường. Chỉ mới 16 tuổi, cụ đã nắm được trình tự, cách tổ chức lễ hội và nhiều đoạn về lời văn, lời đáp, quy trình sắm lễ, đạo cụ, trò chơi trong phần hội, đặc biệt trong phần lễ dùng lời biểu diễn làn điệu đang Mường cổ.

Cụ Nhòn kể lễ hội Mợi được tổ chức vào dịp đầu xuân (khoảng mồng 5 tết trở đi) với mong muốn cho mọi người khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản mường no ấm, đoàn kết vượt qua khó khăn, giúp nhau xây dựng cuộc sống ngày một tốt hơn. Đây cũng là dịp để người dân trong làng, bản, xóm giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái trưởng thành; cám ơn thầy Mợi chữa bệnh cứu người mang lại hạnh phúc cho mọi nhà bằng những cây thuốc nam gia truyền. Trong lễ hội Mợi, phần lễ và phần hội được tổ chức đan xen, phần lễ do thầy Mợi đảm nhiệm. Vào lễ, thầy Mợi dùng lời đang hát mời tổ tiên Mợi từ trên trời xuống trần gian, sau đó mời tổ tiên bên nội, tổ tiên bên ngoại, thần thổ địa, thần sông, thần núi cùng với tổ mợi về hưởng lễ, hương hoa, phù hộ cho con cháu, bản mường khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Sau khi cúng xong tổ Mợi, các con nuôi mang mâm lễ đến để dâng lên tạ ơn thầy Mợi, thầy Mợi tiếp tục làm lễ cầu cho các con nuôi của mình khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, ăn nên làm ra. Cúng mời tổ Mợi và cầu phúc cho các con nuôi xong, thầy Mợi chuyển sang múa mợi. Các điệu múa trong lễ hội gồm: múa xòe, múa khăn, múa trầu, múa kiếm, múa trồng bông dệt vải... thể hiện tập quán truyền thống, các lễ nghi nông nghiệp. Cụ Nhòn cho biết thêm: Ngày xưa khi chơi Mợi vui nhất là các trò chơi dân gian diễn ra trong phần hội thu hút rất đông các đối tượng thuộc nhiều lứa tuổi cùng tham dự các trò bói hoa, ném còn, kéo co, đánh chuyền, đánh quay, nhảy lò cò, chơi bi, chơi ô ăn quan, nhảy dây, đánh yến... nhiều đôi nam nữ thanh niên nên duyên từ đây.

Với vốn hiểu biết phong phú về lễ hội cụ Nhòn được làng trên xóm dưới mời tổ chức và biểu diễn tại các lễ hội Mợi. Cụ cũng là người tham gia, đóng góp công lớn trong việc phục dựng lại lễ hội Mợi do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức tại xã Huy Tân năm 2006. Ngoài ra, cụ còn tham gia nhiều buổi biểu diễn đang Mường trên sân khấu của huyện, tỉnh và khu vực Tây Bắc. Năm 1994, khi tỉnh Điện Biên tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc, cụ diễn đang Mường giành Huy chương Bạc. Theo thời gian, lễ hội Mợi cũng như đang Mường mai một dần, cụ Nhòn lại cần mẫn truyền lại cho thế hệ kế cận không chỉ với mục đích bảo tồn, mà còn để hướng các con cháu về cội nguồn, cảm nhận những giá trị nhân văn, vui, buồn, hạnh phúc mà ông bà để lại, không giữ được văn hóa lễ hội là có tội với tổ tiên. Cụ đã truyền dạy lại cho nhiều con cháu trong dòng họ và gia đình. Điều đáng quý, trân trọng ở con người cụ, tuy lưng đã còng mắt đã mờ nhưng khi có thời gian cụ lại tích cực truyền dạy lại các bài cúng, quy trình tiến hành lễ hội, cũng như nhiều bài hát đang cổ cho nhiều người yêu thích, các nhà quản lý đến sưu tầm nghiên cứu để họ hiểu, yêu và cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Bao năm gắn bó với lễ hội, truyền dạy cho con cháu những bài đang cổ, Nhà nước đã vinh danh cụ là NNƯT. Cụ bảo thấy ai thích đang Mường, muốn tìm hiểu về lễ hội Mợi cụ đều quý lắm. Nhìn nhiều thanh niên đang sống trên đất gốc của Mợi của đang Mường mà lại không biết đang, không hiểu gì về lễ hội cụ vừa buồn vừa tiếc. Lớp già của cụ say mê đang nhưng tuổi cao, sức yếu rồi. Nay cụ trông chờ vào thế hệ trẻ tiếp nối, giữ lửa cho đang Mường cũng như lễ hội Mợi trường tồn theo thời gian.