Sơn La với công tác nghiên cứu bảo tồn, phát huy di sản văn hoá các dân tộc
Lượt xem: 1095
Sơn La là một tỉnh miền núi cao thuộc phía Tây Bắc Việt Nam, với diện tích tự nhiên 14.174 km2, dân số hơn một triệu người được phân bố trên 12 huyện, thành phố. Văn hoá Sơn La là trầm tích lịch sử kéo dài và nối liền từ tiền - sơ sử cho đến ngày nay. Các đặc điểm địa lý tự nhiên và lịch sử xã hội của vùng đất này đã tạo nên một vị thế và đặc điểm văn hoá riêng, có những đóng góp quan trọng vào tiến trình văn hoá dân tộc. Nói đến Sơn La là nói đến một vùng văn hoá đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, bởi mảnh đất này là nơi hội tụ sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hoá mang sắc thái riêng và hết sức quý giá.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khoá VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Sơn La đã thống nhất tư tưởng và mục tiêu chỉ đạo, đó là: Coi trọng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, xây dựng và phát triển những giá trị mới về văn hoá, văn học nghệ thuật của các dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tập trung có hiệu quả phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, mở rộng mạng lưới thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc đã đạt được những thành tựu quan trọng, đó là:

Về công tác nghiên cứu khoa học: Các đề án, dự án, đề xuất các phương án bảo tồn được đẩy mạnh, các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về bảo tồn di sản văn hoá đã được thực hiện như: “Khảo sát sưu tầm lễ hội dân tộc Hmông tỉnh Sơn La”; “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong quá trình hội nhập quốc tế”; “Bảo tồn văn hóa cư dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La”; “Bảo tồn di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”…. Qua việc nghiên cứu những đề tài khoa học, đề án, dự án đã đánh giá được thực trạng của của di sản văn hóa, nghiên cứu sâu về di sản văn hóa và đưa ra những định hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Về công tác nghiên cứu di sản văn hóa vật thể: Tổ chức tổng kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh ít nhất 5 năm 1 lần theo Luật Di sản văn hóa. Hàng năm tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đề nghị các cấp xếp hạng. Đến nay, Sơn La đã kiểm kê được 68 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục. Trong số này, có 01 di tích được xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 12 di tích được xếp hạng Quốc gia,  37 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Một số di tích đang được bảo tồn và khai thác hiệu quả, hàng năm thu hút được hàng nghìn lượt người tham quan, học tập góp phần vào việc giáo dục truyền thống, ý thức phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ các hiện vật cũng luôn được quan tâm, chú trọng. Hàng ngàn di vật thời Tiền sử, sơ sử đã được tìm thấy tại nhiều địa phương: Mai Sơn, Phù Yên, Bắc Yên…và một số xã thuộc các huyện ven sông Đà như Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai. Hơn 1000 bản sách được ghi chép bằng chữ Thái cổ, Dao cổ thuộc nhiều thể loại như: Văn học, lịch sử, tín ngưỡng, dăn dạy con người… Nhiều hiện vật là sản phẩm của nghề thủ công truyền thống đã được sưu tầm, trưng bày, phát huy, tính đến hết năm 2013, tổng số hiện vật có trong bảo tàng là 20.550 hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý như: Sưu tập Trống đồng, sưu tập đồ đá, sưu tập trang phục các dân tộc…Đặc biệt, nhằm bảo vệ các di sản vùng lòng hồ Thuỷ điện Sơn La, những năm qua Sơn La đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành điền dã, khảo sát thực địa phát hiện được 27 di tích. Đến nay, 14 di chỉ khảo cổ học thuộc vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã được khai quật, thu thập về Bảo tàng tỉnh hơn 6.000 hiện vật. Số hiện vật này đã được xử lý khoa học phục vụ cho công tác trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và Nhà trưng bày “Di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La” tại huyện Mường La.


Lễ lập tịnh của người Dao, huyện Phù Yên. Ảnh: Ngô Hải Yến

Về công tác nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể:

* Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng và bảo tồn lễ hội, lễ nghi, tín ngưỡng các dân tộc: Trong những năm qua, bằng nguồn ngân sách của tỉnh, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Sơn La đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng  được hầu hết lễ hội tiêu biểu của các dân tộc tỉnh Sơn La.

Dân tộc Thái: Xên Mường La, Xên bản, Xên hươn, Xên lảu nó, Kin pang then, Xên so phôn (cầu mưa), Hết chá, Xíp xí.

Dân tộc Hmông: Lễ giữ máu, Lễ Tu su, Lễ hội Nào sồng.

Dân tộc Dao: Tết Thanh minh, Lễ lập tịnh, Tết nhảy

Dân tộc Mường: Lễ hội Mợi, Hội xuống đồng.

Dân tộc Khơ Mú: Lễ tra hạt, Lễ cầu mùa, Mừng cơm mới; Tê cung (xên bản)

Dân tộc Kháng: Lễ hội Mừng cơm Mới (Dát hả mả mía); Lễ hội Cầu mùa (Xék pang Ả).

Dân tộc Xinh Mun: Lễ cầu mùa (Mương A Ma).

Dân tộc La Ha: Lễ hội mừng măng mọc (Pang a nụn ban).

Dân tộc Lào: Lễ hội Xên Mường Và, Mừng cơm mới.

* Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh: Sơn La có diện tích rộng, có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, các dân tộc ở không tập trung, vì vậy, phương pháp kiểm kê được lựa chọn đó là: Kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể của 12 dân tộc, nhận diện đầy đủ đặc trưng của các ngành và các nhóm địa phương. Kiểm kê theo từng dân tộc tại các địa phương.

Từ năm 2011 - 2014 tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Thái, Mông, Dao, Mường và nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu để đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua công tác kiểm kê, đã đánh giá một cách tổng thể thực trạng di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Sơn La, tìm hiểu nhu cầu của người dân và biện pháp bảo vệ di sản văn hóa, đã nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học được 04 di sản văn hóa tiêu biểu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã có 02 di sản: Chữ viết dân tộc Thái; Lễ Hết Chá dân tộc Thái được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ: Không chỉ dừng lại ở các công trình nghiên cứu và việc sưu tầm, bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hoá truyền thống bằng sự đầu tư của Nhà nước. Những năm qua, Sơn La đã quan tâm triển khai công tác đó trong thực tiễn đời sống cộng đồng theo phương châm xã hội hoá mà điển hình là phong trào văn nghệ quần chúng. Có thể nói, từ nhiều năm qua, Sơn La luôn được coi là điểm sáng của phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng. Hầu như ở mỗi bản làng đều có đội văn nghệ, thậm chí có bản có tới 3 đến 5 đội. Các đội văn nghệ này đều do dân tự tổ chức, tự mua sắm trang phục, đạo cụ tập luyện và biểu diễn phục vụ bà con trong bản vào những dịp lễ tết, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh chủ yếu giúp họ về định hướng phát triển, tập huấn cho các hạt nhân văn hoá văn nghệ, xây dựng các đội văn nghệ mẫu, đào tạo cán bộ quản lý văn hoá ở cơ sở. Ngoài ra, các đội văn nghệ này còn thường xuyên biểu diễn giao lưu với các bản, xã lân cận, phục vụ khách tham quan và biểu diễn giao lưu với các địa phương trong cả nước. Các tiết mục hát múa hầu hết là tự biên tự diễn nhưng lại mang đậm chất dân gian truyền thống, thể hiện tình yêu đối với quê hương, làng bản, chuyển tải được những vấn đề của cuộc sống mà họ quan tâm, nhưng lại dễ hiểu, dễ nhớ, có tác động tích cực thúc đẩy lao động sản xuất, gắn kết các thành viên trong cộng đồng. Hiện nay, Sơn La có hơn 3.250 đội văn nghệ quần chúng của các bản làng và các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, hoạt động thường xuyên và đạt hiệu quả tương đối tốt. Phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng ở cơ sở không những đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá của nhân dân các dân tộc trong tỉnh mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, khai thác, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, bởi không có môi trường nào để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tốt hơn chính ở không gian văn hóa của mỗi dân tộc.


Chuyên viên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phỏng vấn các nghệ nhân về bảo tồn di sản nghệ thuật Xòe Thái tại Quỳnh Nhai. Ảnh: Ngô Hải Yến

Ngoài ra, tỉnh Sơn La còn có 01 đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp hàng năm dựng mới 01-02 chương trình nghệ thuật, chỉnh lý nâng cao từ 2-5 chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, tổ chức 80-105 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc, thu hút khoảng 120 -145 ngàn lượt người xem mỗi năm.

Phát huy thế mạnh của vốn văn hoá truyền thống, từ những chất liệu dân gian hiện có lại tiếp tục đầu tư sáng tạo để nâng cao và làm phong phú thêm vốn văn hoá cổ truyền của các dân tộc, nhằm xây dựng nên những giá trị mới, diện mạo văn hoá mới, phù hợp với xu thế vận động và phát triển trong mạch chảy liên tục của văn hoá tỉnh nhà. Hàng năm Sơn La đều có mục tiêu dàn dựng, sáng tác các điệu múa, các bài hát mới. Nhiều chương trình, tiết mục có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Sơn La được ra đời và đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ.

Những kết quả đạt được như đã nêu ở trên là rất đáng trân trọng, tuy nhiên đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, có nhiều thành phần dân tộc thiểu số như Sơn La thì ngoài việc phát huy những thành tích đã đạt được và cần đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, phải chú trọng đến nguồn lực về cả kinh phí và con người, sự chung tay tự nguyện của người dân, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phải gắn với phát triển du lịch cộng đồng góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân./.

Ngô Hải Yến