Những hạt nhân văn nghệ nòng cốt ở cơ sở
Lượt xem: 582
Những năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Thuận Châu được phát triển rộng khắp. Thổi hồn và duy trì phong trào là những hạt nhân văn nghệ nòng cốt ở cơ sở. Với tình yêu, niềm đam mê văn hóa dân tộc, họ đã góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương phát triển.

Các hạt nhân văn nghệ tham gia lớp tập huấn nghệ nhân ưu tú truyền dạy nhạc cụ dân tộc Thái.

Với chất giọng trầm lắng, đi vào lòng người, bà Lường Thị Định, bản Pán, xã Chiềng Ly đã tạo được ấn tượng với người nghe từ những làn điệu “khắp” Thái. Thường xuyên có mặt trong các hoạt động văn nghệ của bản, của xã và được chọn cử tham gia các liên hoan, hội thi văn nghệ của huyện, tỉnh tổ chức. Bà Định cho biết: Ngay từ khi còn nhỏ đã được nghe các bà, các mẹ trong bản khắp “Pú Hô ma dàm Mương Muổi” (Bác Hồ về thăm Thuận Châu), “Hươn dảo úm inh” (gia đình hạnh phúc), “Phùa tía mia xường” (vợ chồng thương nhau), “Tang bản ma maứ” (đường mới về bản)... Nghe rất hay và tôi đã tập để hát. Để có được những tiết mục hay và hấp dẫn, tôi thường xuyên học hỏi thêm kinh nghiệm và tìm cách xử lý phù hợp để có cái riêng, cái hay của mình trong đó. Nay đã ngoài 70, nhưng niềm đam mê khắp Thái vẫn không hề phai nhạt.

Tham gia biên đạo các điệu múa Thái từ ngày còn là công chức văn hóa - xã hội (nay chuyển sang Hội Phụ nữ xã), hạt nhân múa Lường Thị Thảo, bản Pán, xã Chiềng Ly, tâm sự: Ngày ấy, mỗi khi có hội diễn văn nghệ, tôi tự lên ý tưởng, để xây dựng một bài múa, có khi trăn trở cả đêm. Trong thời gian làm công tác văn hóa, tôi đã biên đạo, tự dàn dựng khoảng 30 bài múa Thái, chủ yếu là múa khăn piêu, múa ếp, múa còn, múa chuông. Tiêu biểu là bài “Em gái Chiềng Ly”, “Hương rượu xuân”, “Hạn khuống đêm trăng”, “Hương sắc bản em”, “Tình xuân”... đều được giải A tại các hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện, tỉnh.

 “Dễ gần, nhiệt tình tham gia đội văn nghệ quần chúng của bản, của xã”, đây là nhận xét của người dân về anh Lò Ngọc Bua, bản Lè, xã Tông Cọ. Không chỉ dành thời gian tập luyện cùng toàn đội, anh Bua đã sáng tác trên 40 bài thơ, bài khắp Thái cho các thành viên trong đội tập luyện. Chất lượng hoạt động của đội văn nghệ ngày càng được nâng cao, trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn của xã, huyện luôn đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tháng 1/2021, anh Lò Ngọc Bua làm trưởng đoàn cùng 31 diễn viên văn nghệ quần chúng của huyện tham gia Chương trình giao lưu văn hóa Thái do Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Lào Cai tổ chức, đã đạt 1 giải A, 3 giải B, 1 giải C.

Ông Nguyễn Hữu Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Châu, cho biết: Toàn huyện hiện có 391 đội văn nghệ bản, tiểu khu, mỗi đội có từ 10 đến 15 thành viên. Trong đó, hoạt động sôi nổi nhất là đội văn nghệ quần chúng bản Pán (Chiềng Ly), Chiên Luông Mai (Chiềng Pha), Nặm Giắt (Phổng Lái), Nà Lạn, bản Hình (Tông Cọ) và Chiềng Cang (Chiềng La)... Những hạt nhân văn nghệ vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương vừa là lực lượng xung kích, đại diện cho xã tham gia các hội thi, hội diễn nghệ thuật cấp huyện, tỉnh. Không chỉ là những “giọng hát hay, tay đàn giỏi” họ còn có khả năng tập hợp, tổ chức, vừa sáng tác kịch bản, đạo diễn; đồng thời, giữ vai trò “cố vấn” hướng dẫn các diễn viên không chuyên hoàn thiện các kỹ năng biểu diễn, góp phần duy trì, phát triển các đội văn nghệ ở địa phương.

Để bồi dưỡng năng lực cho các hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, hàng năm, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các xã, thị trấn chọn, cử một số hạt nhân tiêu biểu tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn về biên đạo, dàn dựng chương trình nghệ thuật. Tổ chức các lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn. Thông qua việc đầu tư thiết chế văn hóa cơ sở, hỗ trợ một phần kinh phí cho các xã, thị trấn trang bị tăng âm, loa, đài, thuê đạo cụ, trang phục, tạo thuận lợi cho các hạt nhân văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Khuyến khích các hạt nhân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống của địa phương.

Những đóng góp tích cực của các hạt nhân văn hóa, văn nghệ ở Thuận Châu đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.